MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển tại châu Á

Trong 5 năm tới, việc đầu tư vào năng lượng điện tái tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng có kết quả tốt hơn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên.

Các công ty khai thác năng lượng tái tạo đang có kế hoạch phát triển hơn ở châu Á, dù trợ cấp từ chính phủ cho ngành này đang giảm dần. Những doanh nghiệp này khẳng định rằng nhu cầu năng lượng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.

Ở Trung Quốc, nhờ có chính phủ hỗ trợ mà ngành năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng, biến nước này thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Dù vậy, những sự hỗ trợ đó đang giảm dần, khiến ngành năng lượng tái tạo đối mặt với nhiều rủi ro. Trợ cấp cho mảng năng lượng mặt trời đã giảm một nửa trong năm nay, trong khi trợ cấp cho mảng năng lượng từ gió ngoài khơi cũng sẽ hết vào năm 2020. Trợ cấp cho năng lượng từ gió trên đất liền cũng dừng vào năm sau.

Tuy nhiên, công ty điện lực Pháp Electricité de France SA cho biết họ dự kiến ​​sẽ có sự tăng trưởng kể cả khi không có trợ cấp. Công ty dự đoán rằng công suất gió ngoài khơi ở Trung Quốc sẽ tăng lên hơn 50 gigawatt (1 gigawatt = 1 000 000 000 watts) vào năm 2030, từ mức 6,8 gigawatt hiện nay.

Hồi tháng 6, EDF đã có một thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD với Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc để tăng công suất cho một trang trại điện gió ngoài khơi tỉnh Giang Tô.

Hai công ty sẽ cùng vận hành trang trại gió này, biến EDF trở thành pháp nhân nước ngoài đầu tiên tham gia vào thị trường năng lượng gió ngoài khơi của Trung Quốc.

Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện của EDF vào năm 2019, với các dự án chủ yếu tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ. Dù vậy, công ty này hiện đang tìm cách phát triển thị trường ở các khu vực mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Người phát ngôn của EDF cho biết: "Khu vực châu Á nói chung mang lại cơ hội đáng kể để EDF đầu tư để phát triển bền vững".

Theo ước tính của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn nghiên cứu năng lượng, khoảng 400 gigawatt năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể sẽ được bổ sung thêm ở châu Á trong vòng 5 năm tới.

Wood Mackenzie kỳ vọng việc đầu tư vào năng lượng điện tái tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có kết quả tốt hơn việc đầu tư vào năng lượng hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên trong 5 năm tới. Phần lớn các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch dùng để thay thế các cơ sở vật chất cũ, từ đó kết luận rằng phần lớn công suất tăng thêm có thể đến từ năng lượng tái tạo.

Đơn vị đầu tư năng lượng tái tạo của ngân hàng Úc Macquarie Group cho biết, họ đánh giá 5 gigawatt tài sản năng lượng mặt trời mới ở châu Á, tương đương với khoảng 15 triệu tấm pin mặt trời.

Ngân hàng này cũng được ủng hộ một nhóm các kế hoạch để phủ kín khoảng 2.500 dặm vuông ở Tây Úc với các tấm pin mặt trời và tua-bin gió. Phần lớn năng lượng sẽ được sử dụng để tạo ra hydro. Các dẫn xuất hydro này có thể được xuất khẩu sang các quốc gia châu Á như Nhật Bản để tạo ra điện hoặc nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.

Ivan Varughese, người đứng đầu đơn vị đầu tư năng lượng tái tạo của Macquarie tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Giữa đại dịch, các hoạt động của công ty vẫn không bị chậm lại".

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, hiện nay châu Á chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu. Con số này đã tăng so với một phần ba một thập kỷ trước.

Xét về quy mô, thị trường châu Á vẫn đứng sau phương Tây với tỷ lệ mảng năng lượng tái tạo chiếm chưa đến 5% tổng năng lượng tiêu thụ trong năm ngoái. Con số này chưa thể so sánh với tỷ lệ tại châu Âu là 10%, nơi hàng trăm tỷ đô la của gói cứu trợ kinh tế từ Liên minh châu Âu đang được dành để tài trợ cho các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu. Tỷ lệ tại châu Á cũng chưa cao tới mức 6% như ở thị trường Mỹ.

Các nhà đầu tư đã kỳ vọng giá cổ phiếu của các công ty năng lượng tái tạo sẽ tăng. Dù vậy, kỳ vọng đó có thể khó thực hiện nếu đại dịch Covid-19 gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Các nhà phân tích cho biết, suy thoái sẽ dẫn đến nhu cầu điện thấp, từ đó có thể buộc phải hủy bỏ hoặc giảm trợ cấp cho ngành điện nhanh hơn.

T. Hạnh

The Asean Post

Trở lên trên