Năng lượng tái tạo: Xu thế bắt buộc cho an ninh năng lượng quốc gia
Là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo nhưng Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng tới 18-20%.
- 15-07-2020Tư nhân khó “dấn thân” vào năng lượng tái tạo vì thiếu cơ chế
- 14-07-2020Năng lượng tái tạo: Quy hoạch điện cũ và thiếu tính thực tiễn
- 16-05-2020Ninh Thuận triển khai dự án năng lượng tái tạo 12.000 tỷ đồng
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ, thời gian qua ngành năng lượng Việt Nam có bước phát triển khá mạnh mẽ, tương đối đồng bộ trên các phân ngành.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Tuy nhiên, Nghị quyết 55 cũng nhận định, ngành năng lượng đang phải đối mặt với thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng. Một trong những thách thức lớn hiện nay là Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán, hiện nay tổng giá trị phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là khoảng 18-20%.
“Nếu chúng ta không có chính sách hiệu quả và đúng đắn, rõ ràng, với nguồn năng lượng sơ cấp trong nước sản xuất đang dần bị hạn chế, thì trong tương lai việc phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hệ thống truyền tải điện mạnh nhưng chưa “khỏe”
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại khẳng định, hệ thống điện của Việt Nam là hệ thống điện lớn trên thế giới, có quy mô gần 60.000 MW, với hệ thống truyền tải mạnh, gồm hệ thống 500 KV, 220 KV, hệ thống phân phối 110 KV rất lớn… So sánh trên thế giới, hiện Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia và đứng thứ 23 trên thế giới.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Theo ông Tài Anh, yếu tố quan trọng nhất để vận hành an toàn hệ thống điện là phải có dự phòng. Thứ hai phải bảo đảm tính đồng bộ giữa nguồn, lưới truyền tải, lưới phân phối. Hiện nay, lưới điện truyền thống chúng ta có rồi, đang tích hợp thêm để có hệ thống thông minh, mục tiêu là nâng cao hiệu quả vận hành một cách tốt nhất.
Đề án phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam hiện cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Để có thể hoàn thiện và phát triển hệ thống truyền tải như yêu cầu, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sẽ cần tới 14.000 tỷ USD.
Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có hệ thống truyền tải điện khá tốt nhưng chưa “khỏe” do khâu truyền tải còn nhiều bất ổn. Điều đó thể hiện khi thời gian qua phải giảm phát một số hệ thống năng lượng tái tạo do thiếu trạm truyền tải để dẫn lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tất cả điều này khiến cho việc xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng truyền tải điện là tất yếu.`
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, để đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải, cần tạo lập một khung pháp lý rõ ràng. Sắp tới thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 55, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi Luật Điện lực. Như vậy mới có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư, phạm vi nào do tư nhân, phạm vi nào do các doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ đầu tư, quản lý, vận hành.
Trên cơ sở đó, trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực cũng thúc đẩy các vấn đề khác như thị trường điện để bảo đảm phát triển thị trường điện, có tín hiệu về giá điện sát với thị trường, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân…
Đầu năm 2021 là thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực. Luật PPP là khuôn khổ pháp lý để xác định nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư vào các dự án nguồn điện, lưới điện, trừ các dự án thủy điện đa mục tiêu hay các dự án lưới điện truyền tải quan trọng quốc gia.
“Trong thời gian tới, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải có thể áp dụng theo quy định của Luật PPP”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Ngoài ra, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch sơ đồ điện 8) sẽ phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, tham gia ngành điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên những nguồn năng lượng đảm bảo cho môi trường hơn.
Đặc biệt, khắc phục hạn chế của sơ đồ điện 7 là “rất cứng” khi quy hoạch cứng về thời gian đưa vào vận hành, vị trí triển khai, thậm chí cả quy mô, chủ đầu tư.../.
VOV