Nâng tầm thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Cần có cơ chế mở hơn cho các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt trong việc phát hành trái phiếu. Ảnh minh họa.
“Có thể xem xét áp dụng phương thức phê duyệt nhanh (express approval) hoặc tự động phê duyệt (deemed approval) với những trái phiếu chào bán ra công chúng được phát hành bởi các doanh nghiệp niêm yết và có mức xếp hạng tín nhiệm cao”, chuyên gia phân tích từ FiinRatings gợi ý.
- 13-02-2024Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
- 13-02-2024Quỹ “Rồng” thắng lớn với cổ phiếu Long Châu
- 13-02-2024Dự báo VN-Index lên quanh 1.500 điểm, ông Lã Giang Trung tiết lộ một nhóm cổ phiếu có thể bật tăng mạnh nhất năm 2024
Đỉnh đáo hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có cơ cấu nhà phát hành tập trung chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành 923.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8/2023, giá trị trái phiếu do ngân hàng phát hành có quy mô 304 .000 tỷ đồng (chiếm 33%), trái phiếu bất động sản đạt 347.000 tỷ đồng (chiếm 37,6%) và còn lại hơn 271.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.
Trong khi đó, nhìn lại cơ cấu phát hành của ba năm đỉnh cao của hoạt động phát hành TPDN từ 2019 - 2021, có đến khoảng 80% tổ chức phát hành là các doanh nghiệp chưa niêm yết, phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập vốn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh kiểm soát tín dụng bất động sản trong mấy năm trở lại đây.
Với mức độ ảnh hưởng lớn của ngành bất động sản với thị trường TPDN, đỉnh đáo hạn năm 2024 của thị trường TPDN cũng chính là đỉnh nợ của TPDN ngành bất động sản, với các doanh nghiệp phải tập trung cơ cấu nợ nhằm tính toán các giải pháp tài chính phù hợp để trả gốc và lãi, cũng như định hướng phát triển trong lúc thị trường còn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo tính toán, áp lực phải trả cả gốc và lãi từ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn 12 - 24 tháng tới rất lớn, với tổng giá trị đạt mức dự báo 275,7 nghìn tỷ đồng. Con số này cho thấy những thách thức không nhỏ đối với khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ngành bất động sản
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang kỳ vọng việc sửa đổi Thông tư 02 và Nghị định 08 sẽ có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động chéo sang hệ thống ngân hàng thương mại là rủi ro không nhỏ, đặc biệt với những ngân hàng có vốn đệm dự trữ thấp hoặc khả năng bao phủ nợ xấu kém.
Cần “mở” hơn cho các doanh nghiệp phát hành chất lượng
Trong bối cảnh các quy định pháp lý đang được từng bước hoàn thiện theo hướng xây dựng một thị trường TPDN chuyên nghiệp, một trong các giải pháp thúc đẩy thị trường này là đẩy mạnh kênh chào bán TPDN rộng rãi ra công chúng thay vì tập trung vào phát hành riêng lẻ. Trong đó, các quy định về công bố thông tin nên được chuẩn hóa hơn nữa và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt phát hành.
Cụ thể, theo các chuyên gia công bố thông tin chào bán trái phiếu nên được cải thiện theo hướng bổ sung các thông tin đánh giá về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thay vì các thông tin phần lớn mang tính quá khứ như bản cáo bạch của những trái phiếu được chào bán trên thị trường hiện nay. Thêm vào đó, các trái phiếu chào bán ra công chúng nên được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập theo như thông lệ một số thị trường trái phiếu có mức độ phát triển cao hơn trong khu vực.
Đặc biệt, theo đề xuất của chuyên gia phân tích từ FiinRatings, với những trái phiếu chào bán ra công chúng được phát hành bởi các doanh nghiệp niêm yết và có mức xếp hạng tín nhiệm cao, các chuyên gia đề xuất cơ quan quản lý có thể xem xét áp dụng phương thức phê duyệt nhanh (express approval) hoặc tự động phê duyệt (deemed approval). Cùng với đó duy trì cơ chế hậu kiểm để hạn chế những vụ việc vi phạm.
Đối với phát hành riêng lẻ, đối tượng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã được thu hẹp theo quy định mới tại Nghị định 65. Tuy nhiên, nếu trái phiếu chỉ được chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư định chế bao gồm ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí... được cơ quan quản lý cấp phép thì có thể xem xét đơn giản hóa các thủ tục về cơ chế đại diện trái chủ.
Cơ chế thu hút các định chế tài chính
Bên cạnh việc đơn giản hoá quy định về phát hành, các chuyên gia cũng cho rằng cần sớm có giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ những rào cản pháp lý nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua thường lựa chọn phương thức phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Các định chế tổ chức bao gồm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trái phiếu còn tham gia rất hạn chế.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, sau những diễn biến bất lợi trên thị trường, không ít ngân hàng thương mại đã từng bước có những động thái hạn chế đầu tư TPDN theo những quy định của NHNN nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng và an toàn hệ thống và các công ty bảo hiểm bị hạn chế không được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đi vào hiệu lực đầu năm 2023.
Cùng với những vụ vi phạm trên thị trường TPDN và các chính sách chuẩn hóa lại điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ thì những thay đổi chính sách phía cơ sở nhà đầu tư tham gia thị trường này đã làm cho thị trường trái phiếu riêng lẻ sụt giảm mạnh.
Do đó, theo các chuyên gia, để phát triển TPDN trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp bên cạnh tín dụng, theo thông lệ quốc tế về trung và dài hạn thì Việt Nam cần xem xét đánh giá và rà soát các quy định theo hướng phù hợp hơn để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.
Bên cạnh đó, với các tổ chức tín dụng, do đây vẫn là nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường vốn của Việt Nam nên cần xem xét mở rộng điều kiện tham gia việc mua bán TPDN theo hướng kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn ngoài việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay.
Ngoài các nhà đầu tư nói trên, các chuyên gia cho rằng cũng cần đẩy mạnh sự tham gia của các định chế tài chính khác như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và nhóm các nhà đầu tư do Chính phủ quản lý bao gồm Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đơn vị quản lý vốn Nhà nước như SCIC,… do mô hình này đã có nhiều kinh nghiệm thành công từ quốc tế mà Việt Nam có thể xem xét học tập
Nhịp sống thị trường