NASA chuẩn bị chinh phục Mặt Trăng: Địa điểm giống "Chị Hằng" nhất trên Trái Đất trở thành nơi huấn luyện
Để chuẩn bị cho hành trình đầu tiên lên Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ, phi hành đoàn Artemis II đã dành cả mùa hè để huấn luyện trong môi trường giống Mặt Trăng nhất trên Trái Đất.
- 29-09-2024Wall Street Journal: Fed vẫn khó đạt mục tiêu 'hạ cánh mềm' dù bắt đầu mạnh tay hạ lãi suất
- 29-09-2024Bão John tàn phá vùng Tây Nam Mexico khiến 22 người thiệt mạng
- 29-09-2024Xuất hiện nguy cơ siêu bão gần Philippines
oTờ Newsweek mới đây đưa tin, các phi hành gia Reid Wiseman, Victor Glover và Christina Koch của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cùng với phi hành gia Jeremy Hansen của Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), cũng như các thành viên phi hành đoàn dự phòng là phi hành gia Andre Douglas của NASA và phi hành gia Jenni Gibbons của CSA, đã đi bộ đường dài trên đất nước Iceland để làm quen với địa hình gồ ghề giống của Mặt Trăng.
Đây là hoạt động huấn luyện mới nhất trong một loạt các sứ mệnh không gian từng đến Iceland để huấn luyện, đã có từ thời các sứ mệnh Apollo.
"Các phi hành gia Apollo cho biết Iceland là một trong những địa điểm đào tạo giống Mặt Trăng nhất mà họ từng đến trong quá trình đào tạo", Cindy Evans - trưởng nhóm huấn luyện địa chất Artemis tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston (Mỹ) - cho biết trong một tuyên bố của NASA.
"Nơi đây có các quy trình hành tinh giống Mặt Trăng, trong trường hợp này là hoạt động núi lửa. Nơi đây có cảnh quan trông giống như Mặt Trăng. Và nơi đây có quy mô các đặc điểm mà các phi hành gia sẽ quan sát và khám phá như trên Mặt trăng", Evans nói.
Theo Newsweek, cảnh quan của Iceland - với những cánh đồng dung nham, miệng núi lửa và địa hình đá cằn cỗi - rất giống với bề mặt Mặt Trăng. Ngay cả những loại đá đặc biệt gọi là bazan và breccia được tìm thấy trên Mặt Trăng, cũng được tìm thấy ở Iceland do hoạt động núi lửa dữ dội tại quốc gia này.
Địa chất của Iceland mang đến cho các phi hành gia cơ hội thực hành công việc trong các điều kiện tương tự như những gì họ sẽ trải qua trên Mặt Trăng và được đào tạo các kỹ năng để xác định, thu thập và ghi chép về các mẫu đá và đất bằng các công cụ có thiết kế đặc biệt.
Phi hành đoàn cũng được đào tạo các kỹ năng điều hướng, và dành thời gian sống và làm việc cùng nhau như khi ở ngoài không gian.
"Các công cụ chúng tôi từng sử dụng trong các sứ mệnh Apollo không thay đổi nhiều so với những gì chúng tôi đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh Artemis", Trevor Graff - nhà địa chất thăm dò và là người đứng đầu nhóm phần cứng và thử nghiệm thuộc đội khoa học Artemis tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA - cho biết trong tuyên bố.
"Theo truyền thống, một nhà địa chất chỉ mang theo bộ công cụ tiêu chuẩn như búa đá, gầu xúc hoặc xẻng để lấy mẫu trong thế giới xung quanh họ, cả trên bề mặt và dưới lòng đất", Graff nói.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, phi hành đoàn của Artemis II sẽ không hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Theo NASA, sau sứ mệnh Artemis I không người lái, đã phóng thành công Hệ thống phóng không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion vào ngày 16/11/2022 trong chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất vào ngày 11/12/2022. Artemis II sẽ là sứ mệnh có người lái đầu tiên trong chương trình Artemis, đưa bốn phi hành gia lên tàu vũ trụ Orion bay quanh Mặt Trăng trong vòng 10 ngày trước khi trở về Trái Đất.
NASA cho biết, Artemis II dự kiến sẽ được phóng "không sớm hơn tháng 9/2025", với phi hành đoàn trở thành phi hành đoàn đầu tiên du hành vượt ra khỏi quỹ đạo Trái Đất thấp kể từ sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.
Artemis III sẽ đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972. Sứ mệnh này được lên kế hoạch đưa các phi hành gia hạ cánh gần Cực Nam Mặt Trăng, nơi họ sẽ dành khoảng một tuần trên bề mặt Mặt Trăng để tiến hành nghiên cứu khoa học. NASA ước tính rằng sứ mệnh này sẽ được phóng "không sớm hơn tháng 9/2026".
Đời sống pháp luật