MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Này ung thư, chọn nhầm gia đình rồi nhé: Thông điệp ấn tượng từ những người lạc quan đối mặt với bệnh tật

29-07-2020 - 16:56 PM | Sống

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư phải chịu đựng nhiều nỗi đau, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. "Để chiến thắng ung thư, quan trọng nhất là tình yêu thương".

Bộ ảnh "Thank you for being my umbrella" (tạm dịch: Cảm ơn "chiếc ô" của đời tôi) do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) thực hiện, ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc, lạc quan của các nhân vật đã và đang kiên cường đối diện với ung thư, nhờ nghị lực từ bản thân và sự đồng hành không mệt mỏi từ những người thân yêu trong quá trình điều trị.

Qua bộ ảnh "Thank you for being my umbrella", BCNV muốn gửi gắm thông điệp: Cuộc đời có thể nhiều bất trắc, nhưng mỗi người có đủ sức mạnh để chiến thắng tất cả nếu giữ vững niềm tin, tinh thần lạc quan, nếu có sự nâng đỡ, chở che của những người yêu dấu – như những "chiếc ô" luôn che chắn cho con người trước bão giông. 

Đối diện với khó khăn, thay vì chỉ thấy những nỗi đau, mất mát, hãy chọn sống với lòng biết ơn: Biết ơn những cơn mưa đã mang đến cầu vồng, biết ơn những thử thách cho ta thêm trưởng thành, và biết ơn những người đồng hành đã rộng mở vòng tay yêu thương, trở thành chốn dừng chân cho ta trở về, cùng chiến thắng gian nan.

Bộ ảnh được BCNV thực hiện trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông xã hội "Sớm Bảo Vệ, Tự Tin Sống" nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ về tình hình trẻ hóa ung thư tại Việt Nam; khuyến khích các bạn trẻ có lối sống lành mạnh, sớm phòng ngừa ung thư; đồng thời kêu gọi gây quỹ xây dựng thêm 2 thư viện tóc giả cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 

Sau một tuần phát động, chiến dịch đang được ủng hộ đông đảo, hàng trăm người cùng đăng tranh vẽ, ảnh chụp có chiếc ô lên mạng xã hội để lan tỏa thông điệp về phòng ngừa ung thư.

Này ung thư, chọn nhầm gia đình rồi nhé: Thông điệp ấn tượng từ những người lạc quan đối mặt với bệnh tật  - Ảnh 1.

Có tâm hồn lãng mạn và yêu cái đẹp tha thiết, có lẽ nhà thơ – nhà văn – nhà báo Nguyễn Khánh Chi đã không chịu nổi những mất mát về hình hài do ung thư vú gây ra nếu thiếu sự ủng hộ, yêu thương của con trai. Có lần, chị hỏi con: "Mẹ cạo trọc thế này có xấu không?". Roman thích ôm lấy cái đầu trọc lóc của mẹ, hôn lên đó và trả lời: "Mẹ đẹp, và đẹp rất ấn tượng!". Những đêm chị đau không ngủ nổi, con trai sẽ nắm tay an ủi rồi ngồi gục bên giường mẹ ngủ lúc nào không biết.

Này ung thư, chọn nhầm gia đình rồi nhé: Thông điệp ấn tượng từ những người lạc quan đối mặt với bệnh tật  - Ảnh 2.

Từ trái sang: Chị Lương Ngọc Vân Anh, bà Phạm Thị Lệ Khanh, Tạ Ngọc Phương Anh và Lê Liễu Khôi.

Gia đình chị Lương Ngọc Vân Anh có 3 thế hệ mắc bệnh ung thư – chị, mẹ ruột và cháu gái, nhưng họ vẫn luôn cười đùa dí dỏm khi nói về căn bệnh của gia đình. Cả nhà thường cùng nhau tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, các dự án xã hội, truyền cảm hứng sống cho bệnh nhân và cộng đồng. Bà Lệ Khanh vẫn phụ trách lớp aerobic ở công viên Tao Đàn ở tuổi 77, nên các thành viên trong nhà cũng thích nhún nhảy, vận động để sống khỏe, sống vui. Họ vừa là tấm gương nghị lực cho nhau, vừa là điểm tựa để cùng nhau chiến thắng bệnh tật.

Này ung thư, chọn nhầm gia đình rồi nhé: Thông điệp ấn tượng từ những người lạc quan đối mặt với bệnh tật  - Ảnh 3.

Từ trái sang: Trần Bảo Ngọc, Lê Hồ Ngọc Diễm, Triệu Thị Thanh Trú

Với Lê Hồ Ngọc Diễm – cô gái phát hiện ung thư vú năm 22 tuổi và quyết định giấu gia đình, một mình đối diện, ngày biết mình bị ung thư là một ngày đáng mừng: Mừng vì cô may mắn phát hiện bệnh rất sớm; mừng vì một phiên bản Ngọc Diễm mới – lạc quan và mạnh mẽ hơn – đã chính thức "cất tiếng cười" chào đời.

Trần Bảo Ngọc biết mình bị ung thư hạch giai đoạn cuối năm 25 tuổi. Cô gái trẻ xem ung thư là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình thành con người sống tử tế và hạnh phúc hơn. Những ca phẫu thuật để lại những vết sẹo khó xóa nhòa, nhưng chúng cũng là niềm kiêu hãnh riêng của Bảo Ngọc: "Người ta thường muốn che giấu những vết sẹo vì sợ hãi, nhưng với tôi, mỗi vết sẹo là một câu chuyện, là động lực để sống tốt hơn. Tôi tự hào về những vết sẹo trên cơ thể mình".

28 tuổi, Triệu Thị Thanh Trúc – Thạc sĩ ngành Dược – phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2B. Trúc chọn trở thành điểm tựa cho người thân trong thời gian mình điều trị, bằng nụ cười và cách tích cực chia sẻ kiến thức về ung thư. Cô gái không khóc vì đau, mà chỉ rơi nước mắt vì hạnh phúc khi đọc những lời động viên của bạn bè:"Hãy mở lòng với mọi người, vì họ sẽ dõi theo, tiếp thêm sức mạnh cho bạn trên hành trình chiến đấu với ung thư".

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên