Nên bắt đầu lộ trình cấm xe máy
Đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội từ năm 2025 có thể gây ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đó là chuyện không thể không làm.
- 28-06-2016Hà Nội sẽ cấm xe máy trong nội đô: "Tôi cho đây là cái đột biến"
- 07-02-2014Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
- 11-11-2013Bàn cấm xe máy: Rỗi buôn cho vui?
- 10-05-2013Sẽ cấm xe máy vào khu lõi trung tâm TP.HCM
- 26-01-2013Cấm dùng tiền mặt mua ô tô, xe máy: Nhiều "chiêu" lách công khai
Đã từ lâu, từ các quan chức, chuyên gia, đến các đại biểu hội đồng nhân dân, các nhà hoạch định chính sách đều lên tiếng về các giải pháp chống ùn tắc giao thông, trong đó có việc cấm xe máy ở các thành phố lớn.
Thực ra, người ta đã đưa ra nhiều giải pháp, như cấm đăng ký xe máy nơi này, nơi khác, rồi ngày chẵn, ngày lẻ, giờ làm lệch nhau… Nhưng xem ra hiệu quả không được là bao.
Năm 1995, cứ 1.000 dân Hà Nội có 150 xe máy, sau 12 năm đã tăng lên 4 lần (600 xe/1.000 dân).
Còn tốc độ tăng ô tô ở Hà Nội và TPHCM vượt cả Tokyo.
Trong lúc các tuyến đường nội đô không mở rộng, thậm chí còn nhỏ đi vì sự lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngày một trầm trọng hơn .
Các giải pháp mà nhiều người nói đến là gì?
Hạn chế đến việc cấm xe máy ở nội thành; hạn chế xe ô tô; tăng cường xe buýt, mở các tuyến xe điện trên cao, xe điện ngầm , xây dựng đường vành đai…
Tất cả những cái đó đều cần, đều đúng, đáng lẽ phải có lộ trình từ lâu, nhưng nó không thể là chuyện ngày một, ngày hai.
Theo tôi, ngay từ bây giờ phải bắt đầu lộ trình cấm xe máy ở Hà Nội và một số thành phố lớn.
Tất nhiên nhiều người sẽ phản ứng, thậm chí phản ứng mạnh, cấm xe máy thì đi làm bằng phương tiện gì?
Nói cấm xe máy là cả một lộ trình trong cả chục năm.
Là bắt đầu có chủ trương, từ cấm một số con phố, một số tuyến đường, đến cấm nhiều tuyến phố… Trong thời gian đó cần xây dựng, phát triển các phương tiện giao thông công cộng.
Cũng bắt đầu từ đây, tạo cho người dân những thói quen tốt như đi bộ, nếu nơi làm việc, nơi cần đến không xa lắm. Tôi đã nhiều năm đi bộ từ nhà đến cơ quan làm việc gần như tất cả các ngày, với khoảng cách hơn hai km và cảm thấy thoải mái, lại rèn luyện được tính dẻo dai, trong lúc có người (ngay cả người nhà mình) mấy trăm mét cũng nhảy lên xe máy phóng đi.
Nói lộ trình cấm xe máy, là nói từ bây giờ đến lúc cấm hoàn toàn có thời gian cho việc chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị các phương tiện khác, chuẩn bị để không mua xe máy mới, chuẩn bị để dự kiến xe máy mình dùng sẽ dần hết hạn, để sau đó chuyển cho ai, ở đâu.
Thực tế, chủ trương cấm xe xích lô đã bị phản ứng quyết liệt, nhưng rồi cũng làm được, hay cấm pháo, đội mũ bảo hiểm… Tất cả phải có lộ trình, phải có quyết tâm cao, phải vì sự lâu dài. Bên cạnh đó, cần trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Ở Hà Nội, TPHCM, vỉa hè bị lấn chiếm gần hết, người đi bộ đành phải đi xuống lòng đường, tất nhiên là tạo nên ùn tắc. Giải quyết việc này khó không? Tất nhiên là khó, nhưng không phải không làm được.
Tiếp nữa là trả lại hoàn toàn lòng đường cho xe cộ lưu thông.
Hiện nay không chỉ vỉa hè mà lòng đường cũng bị chiếm làm bãi đậu ô tô, làm bãi để vật liệu xây dựng, bãi tập kết hàng hóa.
Và cần xử phạt nghiêm minh. Hiện nay ta xử phạt chưa nghiêm và xem ra cũng chưa minh.
Ta thường có các chiến dịch làm những việc trên, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, là đâu lại vào đấy!
Đã là chiến dịch thì có mở, có kết, sau chiến dịch thì sao?
Nếu chúng ta quyết tâm làm, từ lãnh đạo các cấp, từ chính quyền, đoàn thể các phương tiện truyền thông đến người dân đều đồng sức, đồng lòng chắc chắn sẽ làm được vì đó là lợi ích của tất cả mọi người.
Tất cả đang ở trong tay chúng ta, như các loại “thuốc vườn nhà”, không cần đi đâu xa, không cần nhiều tiền bạc, chỉ cần quyết tâm và cách làm.
Tiền Phong