MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vòng tuần hoàn ác tính" của những kẻ đi làm thuê: Lúc nào cũng phàn nàn, thấy bế tắc nhưng bản thân lại không chịu làm 1 việc này

22-11-2020 - 19:54 PM | Sống

Hoặc là thay đổi bản thân, hoặc là thay đổi công việc nếu cảm thấy bế tắc và bất mãn với tình trạng hiện tại. Còn phàn nàn quá nhiều cũng chỉ khiến bạn tiếp tục ngồi trong vũng sình đó mà thôi.

01. Một vòng tuần hoàn ác tính

Một nữ MC lâu năm trong ngành đột nhiên tuyên bố từ chức, từ đó về sau, rất ít trở lại sóng truyền hình. Đến tận 7 năm sau, người ta mới tình cờ phỏng vấn và đề cập tới lý do giải nghệ của nữ MC này. Cô nói rằng:

“Tuy lúc đó, bản thân tôi vẫn làm tốt trong các chương trình. Nhưng càng dẫn, tôi càng cảm thấy mình cứ lặp đi lặp lại một việc vô số lần. Không thăng tiến, không phát triển, không đạt tới đỉnh cao, cuối cùng thành ra không biết bản thân còn làm việc để làm gì. Công việc không khiến tôi thỏa mãn, mà ngược lại, khiến tôi rơi vào tình trạng hoang mang và nghi ngờ.”

Sau đó, cựu MC cũng chia sẻ thêm rằng, trong khoảng thời gian đó, cô đã sinh con. Trở thành một người mẹ cho phép cô nhìn nhận bản thân rõ ràng hơn, hiểu những gì mình muốn, từ đó đưa ra quyết định từ chức.

Tình trạng của cựu MC này giống như một hàm số tự nghịch đảo, khi bản thân không có sự phát triển đột biến nào, cũng không dần dần tăng trưởng trong thời gian dài, mà chỉ lặp đi lặp lại ở mức độ đơn giản. Đây không chỉ là dậm chân tại chỗ mà tương đương với việc đang đi giật lùi.

Trong môi trường công sở hiện nay, dù thế giới vận hành với tốc độ cao, nhưng con người đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Nữ MC đó có thể chọn con đường từ chức vì có gia đình đằng sau làm chỗ dựa. Còn thực tế, rất nhiều người chẳng có đường lui để lựa chọn thoát ra. 

Vòng tuần hoàn ác tính của những kẻ đi làm thuê: Lúc nào cũng phàn nàn, thấy bế tắc nhưng bản thân lại không chịu làm 1 việc này  - Ảnh 1.

Cuối cùng, họ rơi vào một vòng tuần hoàn ác tính, cứ ngày một lún sâu vào vũng sình lầy tự bản thân tạo ra, nhìn giá trị bản thân giảm dần.

Do đó, đối mặt với sự trì trệ của sự nghiệp hiện tại, bạn bắt buộc phải thúc đẩy bản thân đưa ra quyết định thay đổi. Hoặc là lựa chọn thay đổi công việc, hoặc là thay đổi chính mình. Đó con đường duy nhất để tạo dựng và nâng cao giá trị con người.

02. Học cách nâng cao nhận thức giá trị bản thân

Hội đồng các trường đại học Mỹ từng thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn đối với 1 triệu học sinh cấp 3. Kết quả như sau:

70% học sinh đánh giá khả năng lãnh đạo của mình ở mức “Trung bình cao”.

Đánh giá "khả năng hòa đồng với người khác", mọi người đều cho rằng họ ít nhất là “Trung bình”. 

60% kết luận trình độ năng lực của mình nằm trong top 10%.

25% người tự xếp mình vào hạng đứng đầu.

Chỉ 15% tự đánh giá năng lực bản thân ở mức độ “Trung bình”.

Có thể thấy, thực tế hầu hết mọi người đều có những nhận thức không khách quan về bản thân. Còn khả năng tự nhận thức giá trị bản thân theo nhà tâm lý học người Mỹ, Tasha định nghĩa cốt lõi là: Tự hiểu mình là ai + Tự hiểu mình là ai trong mắt mọi người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có hiểu biết rõ ràng và chính xác hơn về bản thân thường sở hữu phong thái tự tin hơn, có thể đưa ra quyết định thông minh hơn, thiết lập các mối quan hệ chất lượng cao hơn và phát triển sự nghiệp tốt hơn.

Sau đây, có 4 cách để thúc đẩy nhận thức về bản thân:

①  Thực hành chánh niệm

Từ bỏ suy nghĩ cực đoan, để bản thân thư giãn, trải nghiệm hiện tại và hoàn toàn chấp nhận mọi thứ về mình.

② Thay đổi góc độ suy nghĩ

Hãy dùng mức góc nhìn khác nhau, các phương thức tư duy khác nhau, ở các vị thế khác nhau để tự mô tả và lý giải suy nghĩ, hành động của mình.

③ Tiếp nhận những phản hồi "đúng", chứ không phải tất cả các phản hồi

Có một số phản hồi mang tính chủ quan, bị cảm xúc ảnh hưởng nên thiếu sự chính xác, không thích hợp để chúng ta tiếp nhận. Do đó, cần tiến hành sàng lọc cẩn trọng.

④ Cố gắng tiếp cận chân tướng bản thân, cho dù phũ phàng

Bạn có thể ngồi nói chuyện cùng bạn bè, người thân và để họ thoải mái nhận xét những khuyết điểm, những khía cạnh khó chịu nhất về mình. Hãy chân thành lắng nghe và đừng vội phản bác.

Vòng tuần hoàn ác tính của những kẻ đi làm thuê: Lúc nào cũng phàn nàn, thấy bế tắc nhưng bản thân lại không chịu làm 1 việc này  - Ảnh 2.

03. Đi tìm lợi thế so sánh

Đại văn hào nổi tiếng người Pháp gốc Phi, Alexandre Dumas trước khi nổi tiếng từng sống trong nghèo khó. Một ngày nọ, ông đến Paris và ghé thăm một người bạn của cha mình, nhờ người đó giúp tìm việc làm.

Người này hỏi rằng, anh giỏi toán học, vật lý, lịch sử, luật hay có năng lực gì không? 

Alexandre Dumas tỏ vẻ xấu hổ, nói rằng bản thân không có sở trường gì cả.

Khi được bảo viết lại địa chỉ và thông tin liên hệ, người bạn cũ của cha ông đã giật mình và nói: “Anh có sở trường đấy chứ, ta thấy chữ viết của anh rất đẹp! Anh có thể thử phát triển với nghề viết xem sao.”

Quả thật sau đó, Alexandre Dumas đã thay đổi suy nghĩ, làm việc chăm chỉ và cuối cùng đã trở thành một nhà văn lớn.

Trong cuộc sống, rất nhiều người không tìm được lợi thế tuyệt đối, giúp bản thân vượt trội hơn khi so sánh với người khác. Họ rất dễ thất vọng và chán nản. Nhưng thực tế, đây mới là trạng thái bình thường của đại đa số mọi người. 

Do đó, đừng đi tìm lợi thế so sánh của bản thân ở trên người của người khác. Hãy tự so sánh các khía cạnh của chính bản thân để biết mình làm tốt ở đâu, không tốt ở chỗ nào. Chủ động nỗ lực để rèn luyện những khía cạnh làm tốt của mình chính là một cách nâng cao giá trị bản thân nhanh nhất. Qua thời gian và mồ hôi công sức, lợi thế so sánh mới có thể trở thành lợi thế tuyệt đối.

04. Hãy giữ sự tò mò

17 tuổi Steve Jobs đã bỏ học, nhưng tiếp tục theo học các lớp bao gồm lớp dạy viết chữ đẹp của một linh mục Công giáo La Mã. Khi theo học những thứ này, ông nói trong một buổi phát biểu tại Đại học Stanford năm 2005, bản thân Jobs cũng không ngờ nó có thể đem lại ích lợi cho cuộc sống của mình. Ông chỉ đơn thuần là tò mò và muốn tìm hiểu như một khía cạnh nghệ thuật.

Nhưng thực tế là, sau 10 năm khi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, chính những kiến thức về chữ viết đã giúp ông tạo ra máy tính đầu tiên có phông chữ rất đẹp. Và do Windows đã sao chép Mac nên có thể nói rộng ra máy tính cá nhân không thể có phông chữ đẹp như ngày nay.

Sự tò mò sẽ khiến bạn quan tâm và đối diện trực tiếp với vấn đề để tìm ra cơ chế hoạt động của những thứ mà bạn không quen thuộc. Những người sở hữu sự tò mò sẽ luôn thôi thúc bản thân phải khám phá nhiều hơn nữa. Họ sẽ không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và biến chúng thành một loại tài sản tích lũy. Trong một thời điểm nào đó, nguồn tài sản này có khả năng trở thành “cứu cánh” hoặc “bước đệm” quan trọng giúp họ thành công.

Cũng giống như Steve Jobs, khi mê phông chữ, ông chỉ quan tâm đến vẻ đẹp của nó. Nhưng sau mười năm, nó đã góp phần thay đổi cả đời ông. 

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên