MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu có ý định đến Nhật Bản dịp lễ 30/4, hãy lưu ý ngay điều tưởng rất đơn giản này nếu không muốn bị phạt lên tới 200 triệu đồng

22-04-2019 - 15:30 PM | Sống

Theo Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản, từ ngày 22/4, du khách có thể bị phạt tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù 3 năm nếu mang thịt tươi sống hoặc đã qua chế biến vào nước này.

Từ ngày 22/4, để thực thi Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm động vật của cơ quan kiểm dịch thú y, Nhật Bản sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào nước này mà mang theo sản phẩm thịt. Theo đó, những người vi phạm có thể bị phạt đến 3 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

Theo thông tin từ Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), nhiều quốc gia đang xuất hiện các bệnh về gia súc, gia cầm. Hơn nữa, các sản phẩm mẫu, sản phẩm tiêu dùng cá nhân rất khó lấy được chứng nhận kiểm tra. Vì vậy, hầu hết những sản phẩm có nguồn gốc động vật bao gồm cả sản phẩm thịt đều không thể đưa vào Nhật Bản.

Nếu có ý định đến Nhật Bản dịp lễ 30/4, hãy lưu ý ngay điều tưởng rất đơn giản này nếu không muốn bị phạt lên tới 200 triệu đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo JNTO liệt kê những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật cần kiểm dịch chặt chẽ bao gồm bò, dê, lợn, cừu, hươu, nai, ngựa, chó, thỏ, hay gia cầm, mật ong... Các sản phẩm thịt, nội tạng, trứng, xương, lông, sừng, sữa tươi... đều thuộc đối tượng cần kiểm dịch. Trong đó, thịt gia cầm bao gồm gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà sao, gà tây, vịt, ngỗng và những loại chim thuộc bộ ngỗng khác.

Những sản phẩm bị cấm nhập khẩu - ngừng nhập khẩu và những sản phẩm không có giấy chứng nhận kiểm tra cho dù đã được nấu chín, đóng gói trong túi hút chân không, được bán ở cửa hàng miễn thuế, cũng không thể được đưa vào Nhật Bản, cho dù số lượng nhỏ.

Nhật Bản là một trong những điểm được du khách Việt Nam rất ưa thích. Theo JNTO, trong hai tháng đầu năm 2019 đã có 74.000 du khách Việt sang nước này. Nhật Bản sẽ tăng cường xử phạt du khách, người nhập cảnh vào nước này mang theo sản phẩm thịt trong nỗ lực thực thi Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm động vật của cơ quan kiểm dịch thú y Nhật.

PV

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên