MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu gạo A có tiếng và doanh số tốt, sẽ được trộn với loại rẻ hơn có hình dạng tương tự, người tiêu dùng không tài nào phân biệt được

28-11-2017 - 19:01 PM | Thị trường

Đứng trước một cửa hàng chuyên doanh sỉ và lẻ gạo tại TP.HCM, một trưởng phòng kinh doanh của doanh nghiệp gạo lớn ở đồng bằng sông Cửu Long đưa tay chỉ mấy chục chiếc xô đựng gạo phía trên cắm bảng giá mica: cái gọi là “thương hiệu” gạo chính đây, một cái tên gợi nhớ đến địa phương nơi xuất xứ và một mức giá, hai cái này đều do… chủ cửa hàng nghĩ ra.

Chẳng hạn thơm lài Long An, giá 19.500 đồng hay jasmine Đồng Tháp 20.900 đồng… Không ai biết độ chính xác ở đâu. Anh còn nói nếu sang một cửa hàng bên kia đường mọi thứ sẽ khác. Vị trưởng phòng này còn chỉ về phía góc cửa hàng nói rằng hai sản phẩm gạo của doanh nghiệp anh thay vì đựng trong bao bì đóng gói từ nhà máy họ cũng xé ra, trút vào bao, cắm tấm bảng bán cao hơn 10% với giá đề xuất.

Bảng giá gạo tại các tiệm bán gạo hiện nay chỉ là một thứ đầu dê, vì không ai biết nguồn gốc và lý lịch gạo nằm trong cái thúng hư thực đến đâu. Ảnh: TL

Bảng giá gạo tại các tiệm bán gạo hiện nay chỉ là một thứ "đầu dê", vì không ai biết nguồn gốc và lý lịch gạo nằm trong cái thúng hư thực đến đâu. Ảnh: TL

Trong khuôn khổ diễn đàn Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Mekong Connect 2017, gạo là một trong bốn chủ đề lớn của chương trình. Kết quả cho thấy hiện nay trên thị thường nói chung ước tính có hơn 130 loại nhãn hiệu gạo khác nhau đang tồn tại và chưa có nhãn hiệu nào chiếm hơn được 3% dung lượng thị trường. Có nghĩa là thị trường gạo Việt Nam đang cực kỳ “phân mảnh” và rất ít doanh nghiệp đang xây dựng được thương hiệu gạo đúng nghĩa.

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo than thở rằng ngoài chi phí rào cản thâm nhập (chi phí thương mại, giấy tờ thủ tục hành chính) còn khá phức tạp trong quản lý nhà phân phối/đại lý/đội ngũ bán hàng và nhất là có nhiều hạn chế trong quản lý giá, thực hiện các chiến dịch marketing, trưng bày tại điểm bán…

Cái “kỳ quái” nhất của thị trường gạo chính là việc xác định ai là người thực sự đang “làm thương hiệu” trên thị trường và đang thu lợi nhuận thế nào

Tiếp tục câu chuyện của doanh nghiệp trên (cũng là vấn đề đau đầu của hàng loạt doanh nghiệp khác đã từng chia sẻ trong hầu hết các diễn đàn về thị trường gạo): doanh nghiệp này mất gần hai năm để làm nên dòng sản phẩm gạo sạch, một kỳ công từ việc chọn vùng nguyên liệu, giữ được vùng nguyên liệu ổn định bằng việc cộng tác lâu dài với nông dân, đến khâu chế biến sau thu hoạch cũng phải khác, rồi đầu tư máy móc đóng gói bao bì…

Một hành trình gian nan hơn nhiều so với làm gạo thông thường. Chưa kể đa số các doanh nghiệp gạo sạch trên thị trường hiện nay chưa đặt mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu xây dựng thương hiệu “dẫn” nên bán hòa vốn, thậm chí phải dùng lợi nhuận từ thị trường xuất khẩu hoặc các mảng khác phụ vào, chấp nhận bán lỗ để mong người tiêu dùng dễ chấp nhận.

Thế nhưng sau khi tung ra thị trường, một thời gian sau doanh nghiệp phát hiện có sản phẩm tương tự với tên gọi na ná nằm ngay bên cạnh với giá rẻ hơn vài trăm đồng. Đại diện doanh nghiệp phân tích thêm: trong ngành gạo, với tính đặc thù của ngành việc chênh lệch vài trăm đồng cho 1 ký gạo nếu làm đúng thì không phải là dễ, bao nhiêu đó cũng đủ cho người tiêu dùng cân nhắc chọn sản phẩm rồi. Vậy mà có trường hợp người ta làm gạo nhái rẻ đến vài ngàn, thậm chí cả chục ngàn.

Khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra thực trạng tương tự, “gạo nhái” đang diễn ra ở khắp nơi

Với khoảng 20 – 25 loại gạo “nguồn” (tính từ ruộng của người nông dân trồng) qua tay thương lái, các đầu mối và chủ đại lý đã biến thành mấy trăm loại gạo khác nhau (nhiều hơn 130 loại chúng tôi đề cập). Trong dải giá từ 10.000 – 50.000 đồng, cứ mỗi chênh lệch 100 đồng sẽ có một nhãn hiệu gạo khác nhau, ví dụ: 15.200 đồng sẽ có một loại, 15.300 đồng sẽ có một loại với tên gọi khác đi chút xíu, cứ thế tính tiếp.

Nếu một loại gạo A nào đó có tiếng và bán doanh số tốt, ngay lập tức sẽ được phối trộn với loại gạo rẻ hơn có hình dạng hạt tương tự để thành loại gạo cùng tên gọi và giá rẻ hơn. Người tiêu dùng không tài nào phân biệt được.

Doanh nghiệp chia sẻ: họ trộn thêm gạo rẻ và giữ lại thương hiệu gốc từ doanh nghiệp thì còn “nhân đạo”, vì lúc đó doanh nghiệp ít nhất cũng còn bán được một ít, nhiều trường hợp họ thay thế gạo chất lượng thấp hơn vào, doanh nghiệp chẳng những không bán được mà thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi đại lý làm theo một kiểu, kết quả là hàng ngàn loại gạo xuất hiện, người tiêu dùng như lạc vào mê cung cùng các loại gạo mà không thể phân biệt đâu là gạo đúng chất lượng với mức giá hợp lý họ phải trả.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ai cũng biết thực trạng này nhưng không có cách nào xử lý được, vì thực trạng hiện nay là ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có hệ thống phân phối kênh truyền thống mạnh, đủ sức kiểm soát và hạn chế chuyện này (kênh truyền thống chiếm 90 – 95% doanh số).

Vì mục tiêu lợi nhuận, các chủ đại lý gạo hàng ngày vẫn đang “đánh lừa” người tiêu dùng và doanh nghiệp theo cách này, trực tiếp làm méo mó thị trường gạo. Không ít thương hiệu gạo chất lượng tốt, mới lọt lòng nhưng đã sớm chết yểu vì kiểu làm ăn chụp giật này.

Không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngay cả gạo Campuchia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ năm 2016, chủ đề gạo sạch xuất xứ từ Campuchia trở nên “nóng” trên toàn bộ thị trường (ước tính 300.000 tấn gạo đã được nhập khẩu trong một năm qua), nhưng thực tế là nếu đúng là gạo sạch Campuchia thì khó có thể có mức giá dưới 30.000 đồng/kg, nhưng hiện nay trên thị trường gạo Campuchia lại chỉ có giá 20.000 đồng.

Tức là: vấn nạn gạo nhái đã “tấn công” và sinh ra những sản phẩm gạo sạch “bất nhân” như thế, doanh nghiệp Việt và người trồng lúa Campuchia đều chịu thiệt hại, chỉ có các đại lý gạo là hưởng lợi mà thôi.

Theo Phan Tường Anh - Chuyên gia phân phối và bán lẻ BSA

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên