Vũ Phương Thanh (1990) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng học tại Canada và Anh Quốc trước khi tới Singapore làm việc. Sau khi từ bỏ công việc ở Bloomberg để theo đuổi ước mơ, Thanh là “người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vượt qua sa mạc” khi chinh phục Atacama, Chile vào năm 2015. Tháng 5 vừa qua, Thanh Vũ tiếp tục hoàn thành giải sa mạc Sahara tổ chức tại Namibia, lọt top 10 nữ và top 50 người tham gia. Một tháng sau đó, cô tiếp tục hoàn thành giải sa mạc Gobi tổ chức ở Tân Cương, Trung Quốc với vị trí top 5 nữ.
Hiện, 9X này đã hoàn thành một nửa của hành trình trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên vượt qua 4 sa mạc (1.000 km) khắc nghiệt nhất thế giới trong một năm.
Phấn đấu để có được vị trí vững chắc ở Bloomberg Singapore sau khi tốt nghiệp đại học tại Canada, Thanh Vũ bất ngờ bỏ việc để vượt khỏi “cự ly an toàn” và khám phá những con đường mới.
Tôi nhận ra điều mình mong muốn là một
cuộc sống giàu ý nghĩa hơn là vật chất
Trước đây, tôi học khoa quản trị kinh doanh. Ngay từ năm nhất đại học, tài chính đã cuốn hút tôi bởi đòi hỏi đầu óc nhạy bén với các con số cùng những kỹ năng mềm để làm việc có hiệu quả với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng.
Khi tốt nghiệp, tôi rất muốn tìm một môi trường mới để thử thách bản thân sau nhiều năm học ở Canada. May mắn, trong năm giao lưu học sinh ở Anh Quốc, tôi được đến Hong Kong để tìm hiểu cơ hội làm việc tại châu Á. Ở đó, tôi đã biết đến Bloomberg tại Singapore. Khi nhận được lời mời, tôi không chần chừ đóng vali và bay ngay tới quốc đảo sư tử.
Chuyển tới Singapore là một trong những quyết định tôi tự hào nhất. Tại Bloomberg, tôi chuyên hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực ngoại tệ và chứng khoán, sau đó, quản lý quan hệ khách hàng tại thị trường Thái Lan và Việt Nam.
Chỉ sau hai năm rưỡi, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những trải nghiệm của mình. Từ một sinh viên mới ra trường, không quen biết ai tại Singapore đến một người được du hành quanh Đông Nam Á cho cả mục đích cá nhân lẫn công việc, tôi cảm thấy tự tin và chững chạc hơn rất nhiều.
Khi quyết định từ bỏ công việc ở Bloomberg, tôi không chỉ nói lời tạm biệt với vị trí công sở ổn định và thú vị mà còn bỏ lại môi trường sống rất thoải mái cùng những người bạn chí cốt nơi đây.
Để trưởng thành hơn, tôi phải rời môi trường quen thuộc. Tuy biết con đường trước mắt sẽ rất nhiều trắc trở nhưng tôi muốn thành công của bản thân trở thành lời cảm ơn cho những người đã truyền cảm hứng cho mình.
Ở tuổi 25, tôi từng cố gắng đeo bám những “chuẩn mực của xã hội”. Đó là có công việc công sở ổn định, tiết kiệm để xây dựng cuộc sống gia đình. Tôi đã cố xua đi những mong muốn xa vời hơn, như tạo dựng thứ của riêng mình chẳng hạn.
Đến khi có điều không may xảy ra với một số người quen cùng lứa tuổi, tôi mới thấu hiểu, cuộc sống không phải thứ có thể lãng phí cho qua ngày. Tôi cũng nhận ra, điều mình mong muốn là một cuộc sống giàu ý nghĩa hơn vật chất.
Có câu nói: “Ai cũng sẽ chết nhưng không phải ai cũng sống”. Tôi thấy, dù có công việc tốt và cuộc sống ổn định nhưng bản thân chỉ đang gây dựng ước mơ của người khác. Đã đến lúc từ bỏ “cự ly an toàn” để khám phá những con đường mới.
Không gặp phải trắc trở, lỗi lầm,
có nghĩa là bạn đang sống quá rụt rè
Để khẳng định bản thân, rèn sự bản lĩnh, tôi luôn đặt ra mục tiêu lớn, dù sợ hãi nhưng vẫn quyết tâm chinh phục và vượt qua giới hạn của bản thân.
Trước năm 20 tuổi, tôi muốn hoàn thành cự ly marathon (42 km) đầu tiên, nhưng thấy bạn bè khỏe hơn chỉ đăng ký bán marathon (21 km) nên tôi cũng chỉ dám vậy. Đó là một quyết định đáng hối tiếc bởi tôi đã để nỗi sợ hãi của người khác quyết định thay cho mình. Từ đó trở đi, tôi luôn tập trung vào mục tiêu muốn tiến tới và học cách đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân.
Năm 2013, tôi chạy marathon đầu tiên. Năm 2014, tôi chạy siêu marathon (ultramarathon) 100 km đầu tiên. Và năm 2015, tôi hoàn thành giải 3 môn phối hợp Ironman 70.3 đầu tiên, chinh phục 250 km trong giải chạy sa mạc hoang dã tại Atacama, Chile.
Hoàn thành mục tiêu mỗi năm là bước đệm đưa ý chí, bản lĩnh của tôi lên một tầm cao mới. Đó là điều cần thiết để nhắc bản thân, không có gì là không thể.
Trong quá trình chinh phục thử thách, tôi đã gặp và học hỏi được rất nhiều cá nhân đáng khâm phục, không chỉ về thể chất mà còn về ý chí, cách họ vượt qua bản thân và đối mặt với những trắc trở trong cuộc sống.
Nếu không gặp phải trắc trở hay lỗi lầm thì có nghĩa là bạn đang sống quá rụt rè. Và điều quan trọng hơn hết đối với tôi là sự biết ơn cuộc sống. Cuộc sống có thể tràn đầy khó khăn, mệt mỏi và thậm chí còn tàn nhẫn nhưng nó vẫn là món quà lớn nhất. Chính vì vậy, phải sống hết mình.
Khi đối mặt với những khó khăn vượt ngoài khả năng của bản thân, đó chính là khoảnh khắc quyết định. Là lúc đòi hỏi bản lĩnh.
Các trường hợp khác nhau đòi hỏi câu trả lời khác nhau. Đôi khi, cần thúc đẩy bản thân vượt qua các khó khăn. Đôi khi, cần có đủ ý chí và minh mẫn để dừng lại khi thấy có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Vạch đích không phải lúc nào cũng là thứ duy nhất có ý nghĩa. Đôi khi, điều có ý nghĩa nhất là những gì mình học được về bản thân và cách nhìn nhận mới về cuộc sống trong những khó khăn như vậy. Cũng giống như người khởi nghiệp, đôi lúc phải biết cách nói không với cái tôi của bản thân.
Đơn giản như tại giải sa mạc thứ hai của năm nay là sa mạc Gobi tại Trung Quốc. Trong cái nắng nóng bỏng người trên 50 độ C, tôi phải cố gắng hết sức để tập trung vào việc hoàn thành cự lỵ 80 km ngày hôm đó và bảo đảm an toàn cho bản thân. Đồng thời, từ bỏ “cái tôi” và mong muốn giữ vị trí nhất định trong giải để minh mẫn nghĩ đến mục đích lớn nhất - hoàn thành cả 4 giải sa mạc trong năm 2016.
Tôi nghĩ, không có gì sai khi chọn một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ nếu như bản thân cảm thấy cuộc sống đó có ý nghĩa. Tôi thích sống “mạo hiểm” nhưng không nhất thiết phải mang nghĩa đen.
Hai chữ “mạo hiểm” không chỉ nói đến người thích theo đuổi những cảm giác mạnh mà còn nói đến một cuộc sống năng động, luôn luôn muốn cải thiện bản thân và mở rộng tầm nhìn.
Sự mạo hiểm có thể đến từ việc thay đổi công việc, môi trường và làm những thứ mà mình chưa từng. Những điều này đều bắt buộc bản thân phải vươn lên để chinh phục được nỗi sợ hãi và đưa mình lên một tầm cao mới.
Nếu chỉ đơn thuần là thích chạy bền hay nhảy dù thì một công việc ổn định ở công sở cũng có thể cho phép tôi theo đuổi đam mê vào ngày cuối tuần hay đợt nghỉ phép hàng năm. Tuy nhiên, với tôi, việc phiêu lưu mạo hiểm chính là cơ hội để dành thời gian học hỏi, tìm hiểu các hoạt động và trải nghiệm, để mang lại giá trị cho cuộc sống và xã hội. Trong tương lai, tôi nuôi ước mơ xây dựng một sự kiện của riêng mình.
Đôi khi tôi rất nhớ công việc công sở và một cuộc sống “bình thường”. Tuy nhiên, tôi tự nhắc nhở, đây là thời điểm thuận lợi nhất để thử thách bản thân, khi vẫn còn nhiều thời gian để học hỏi, vấp ngã và sửa sai.
Công việc trong công sở sẽ mãi còn nhưng cơ hội để trưởng thành, để tự xây dựng bản thân có thể sẽ chỉ đến một lần trong đời.
Từ khi chọn con đường gập ghềnh hơn, tôi càng ngày càng thấu hiểu được tầm quan trọng của sự kiên trì, kiên nhẫn và khiêm tốn. Muốn đến tới thành công trong cuộc sống hay vượt qua sa mạc khắc nghiệt, không ai có thể thực hiện được nếu không có ba yếu tố này. Những thử thách lớn nhỏ đều cần sự đầu tư công sức, thời gian và một đầu óc ham học hỏi, biết lắng nghe.
Tham gia những chuyến “vượt sa mạc”, tôi rất hạnh phúc vì mình có thể góp phần khẳng định, người Việt Nam là một dân tộc kiên trì, bền bỉ. Đồng thời, tôi có thể đóng góp cho cộng đồng với hoạt động của Tủ Sách Cầu Vồng, làm cho thử thách có ý nghĩa hơn.
Khi đi hoạt động với nhóm từ thiện và tập chạy ở những con đường núi non hiểm trở, tôi mới thấy ấn tượng với sự dẻo dai và ý chí bền bỉ của con người. Nhiều em nhỏ miền núi đi bộ hàng chục cây số qua núi non hiểm trở để đến trường.
Tôi nhận ra, mặc dù thử thách của tôi rất khó nhưng nó cũng chỉ sẽ kéo dài trong ít ngày. Đối với các em miền núi, thử thách kéo dài qua năm tháng. Vì vậy, tôi rất hãnh diện khi được quyên góp giúp đỡ cho các em trong lĩnh vực giáo dục để một ngày nào đó, các em có thể chinh phục những thử thách đáng có của riêng mình.