MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu không muốn nợ công chạm trần năm 2017, địa phương phải thôi được cưng chiều?

Trước áp lực nợ công có thể chạm trần vào năm 2017, sẽ không còn nhiều dư địa cho Chính phủ trong việc bảo lãnh các khoản vay nợ cũng như phát hành nợ của chính quyền địa phương trong thời gian tới.

Báo cáo Cập nhật Chuyên đề nợ công: "Cần cách nhìn trực diện" do Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố đã đưa ra nhận định như vậy.

Theo đó, tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng năm/GDP do Bộ Tài chính công bố, luôn thấp hơn so với con số thực tế, theo BVSC là do dự toán và cập nhật ngân sách nhà nước (NSNN), cơ quan này luôn để ước tính GDP cao hơn so với số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO).

Dẫn chứng, số liệu tỷ lệ thâm hụt NSNN/GDP do Bộ Tài chính công bố cho năm 2014 là 5,3%GDP, trong khi con số hiệu chỉnh theo số liệu GDP thực tế theo công bố của GSO là 5,7%.

Như vậy, việc thiếu cập nhật số liệu GDP của cơ quan quản lý nợ công đã đặt ra những nghi ngại về tính chính xác của số liệu thâm hụt NSNN, dẫn đến hiểu không đầy đủ về áp lực của thâm hụt NSNN đến nợ công.

Thâm hụt ngân sách thực tế lớn hơn?

Trên thực tế theo BVSC, sự khác biệt giữa hai cách tính và số liệu thâm hụt NSNN theo công bố của GSO luôn cao hơn gần 0,4% GDP so với mức thâm hụt theo công bố của Bộ Tài chính.

Việc nhìn nhận đúng con số thâm hụt ngân sách để đánh giá đầy đủ hơn áp lực của nợ công. Số liệu báo cáo tại Quốc hội vào tháng 3/2016, tổng bội chi NSNN trong năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, cao hơn 30.000 tỷ so với dự toán trước đây của Bộ Tài chính.

Nếu trừ đi phần chi trả nợ và viện trợ là 150.000 tỷ đồng, thì áp lực ròng của thâm hụt NSNN lên nợ công trong giai đoạn 2014-2015 là 106.000 tỷ đồng, tương đương với 2,5%GDP theo con số cập nhật GDP thực của cơ quan thống kê.

Như vậy, tỷ lệ nợ công/GDP trong năm 2015 là 62,2% - sát với con số công bố gần đây của Bộ Tài chính. Đồng nghĩa, có thể dự báo thâm hụt NSNN trong năm 2016 sẽ làm tăng nợ công thêm khoảng 2,1%GDP. Tổng nợ công trong năm 2016 ước tính tương đương 64,3%GDP, gần chạm tới ngưỡng trần nợ công (65%) theo Chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020.

Do đó, theo nhận định của BVSC, năm 2016 sẽ là thời điểm nhạy cảm của nợ công khi đây là năm mở đầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 và nợ công theo ước tính sẽ tiếp cận sát mức trần nợ công 65%GDP.

Không còn nhiều cửa cho địa phương vay nợ

Ràng buộc này sẽ khiến Chính phủ không còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy tỷ lệ nợ công/GDP lên mức cao hơn trong những năm sau đó, gây áp lực lớn trong việc hoạch định các nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, các khoản bảo lãnh vay nợ của Chính phủ và phát hành nợ của chính quyền địa phương có thể bị thu hẹp trong giai đoạn 2016-2020.

Xét trong cơ cấu nợ công thì vay nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm phần lớn, 50,3%GDP trong năm 2015, phần còn lại là nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Theo nguyên tắc, Chính phủ vẫn có thể tiếp tục đẩy tỷ lệ vay nợ trực tiếp lên hạn mức 55%GDP vào năm 2020, nhưng điều này sẽ buộc Chính phủ phải thu hẹp tương ứng các khoản bảo lãnh và vay nợ của chính quyền địa phương ngay từ bây giờ để đảm bảo tổng nợ công không vượt mức trần 65%GDP trong những năm tiếp theo.

Như vậy, ở kịch bản cơ sở, áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 được giả định hoàn toàn đến từ vay nợ trực tiếp của Chính phủ. Giả định này là có cở sở khi Chính phủ vẫn duy trì một mức huy động cao trên thị trường trái phiếu, 220.000 tỷ đồng trong năm 2016, và có kế hoạch phát hành thêm 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ và vay thêm cũng trong năm nay.

Theo kịch bản này, vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tăng ròng thêm 2%GDP trong năm 2016, đẩy vay nợ trực tiếp của Chính phủ lên 52,3%GDP. Vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tăng mạnh trong năm 2016, sau đó tăng dần đều và chạm ngưỡng 55%GDP trong năm 2019. Như vậy, tổng nợ công sẽ chạm trần 65% ngay trong năm 2017?

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên