MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu kinh tế Việt Nam hướng tới gói kích thích lần 2 thì cần lưu ý những gì?

20-08-2020 - 09:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Giảm thu, giảm chi phí của nền kinh tế, khoan sức dân cần được coi là một giải pháp căn cơ tác động đến cả cung và cầu...

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

LTS: Như trong bài trước GS. Trần Thọ Đạt – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và tác giả An Nguyễn – Trường Kinh tế London đã đề cập, dịch bệnh COVID-19 đang đặt ra những thách thức mới đối với chính sách kinh tế vĩ mô. Đã có một số ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam cần có thêm một gói kích thích kinh tế lần thứ 2. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của 2 tác giả về khả năng của gói kích thích kinh tế lần 2 cũng như nếu có thì nên như thế nào cho hợp lý.

------

Kỳ 2: Kinh tế Việt Nam hướng tới gói kích thích lần 2?

Về chính sách hỗ trợ tài khóa

Chính phủ Việt Nam đã có các kính thích tài khóa "Keynes" rất kịp thời, đúng hướng và khá phù hợp với thông lệ quốc tế từ lúc dịch bệnh bắt đầu phát sinh. Việc chấp nhận một ngân sách thâm hụt cao hơn đã đạt được đồng thuận. Trong khi gói hỗ trợ kích thích kinh tế lần 1 đang được đánh giá, rà soát, sửa đổi và điều chỉnh, đã xuất hiện nhu cầu về sự cần thiết phải có gói kích thích lần 2. Những thảo luận gần đây cho thấy có nhiều quan điểm khác nhau về "dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ" trong gói kích thích sắp tới.

Trước hết là về dư địa và những điểm cần lưu ý về các chính sách kích thích tài khóa. Gói kích thích tài khóa hiện tại ước tính chiếm 3-4% GDP, và một số ý kiến cho rằng khá nhỏ so với quy mô hỗ trợ tài khóa của các nước khác. Ở đây, cần lưu ý là việc thuần túy so sánh con số phần trăm so với GDP để chỉ quy mô gói hỗ trợ tài khóa lớn hay nhỏ cần được xem xét thận trọng hơn trong bức tranh tổng thể về tính bền vững và không gian tài khóa của nước ta so sánh với các nước. Bức tranh này cho thấy tỷ lệ thâm hụt ngân sách của ta dù đã được cải thiện trong vài năm qua nhưng hiện vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, chỉ tiêu nợ công cũng vậy.

Để xác định quy mô của gói kích thích sắp tới, cần có tầm nhìn dài hạn, tính đến khả năng của những gói hỗ trợ tiếp theo khi dịch bệnh tái phát và tác động kinh tế có thể còn kéo dài nhằm đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bền vững nợ, phù hợp với khả năng vay vốn trên thị trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, đồng thời phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách, không làm giảm xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Cần phân kỳ giai đoạn hỗ trợ cho phù hợp với lộ trình phục hồi kinh tế để có những kích thích đúng lúc và đủ liều, tránh "tất tay" một - hai lần để rồi hết lực khi cần.

Về hiệu quả của hỗ trợ tài khóa. Số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đã cho thấy nền kinh tế đã "ngấm đòn" Covid và nhiều dấu hiệu cho thấy có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Mặc dù các chính sách hỗ trợ tài khóa đã được ban hành rất sớm, nhưng số liệu ước tính cho thấy tỷ lệ đến được đối tượng cần hỗ trợ còn khá khiêm tốn, nền kinh tế chưa "thẩm thấu" được các hỗ trợ này. Gói hỗ trợ an sinh xã hội được nhận định là quy mô còn tương đối nhỏ, lại giải ngân chậm đối với đối tượng bị tác động trực tiếp của đại dịch. Cần lưu ý là đại dịch có tác động mang tính phân phối đối với người lao động. Những người làm công việc văn phòng có thể làm việc tại nhà, nhưng những người làm việc cần thiết - các nhân viên giao hàng, những người dọn rác - vẫn phải tiếp tục làm việc, có nguy cơ cao với COVID-19, trong khi lương thấp. Bộ phận lớn lao động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng đã mất việc. Hỗ trợ đến được sớm các nhóm này sẽ có tác động lớn và trực tiếp hơn đến tiêu dùng (bộ phận lớn nhất chiếm khoảng 65% tổng cầu hiện nay). Dự báo từ điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy từ nay đến cuối năm, con số thất nghiệp và giảm thu nhập còn gia tăng, đặc biệt là lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Sau một thời gian được hỗ trợ theo mặt bằng chung, một số doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế đang cho thấy sức chống chịu bị suy giảm và đã cần đến cứu trợ. Tuy nhiên, cần lưu ý là điểm yếu của kích thích Keynes bị những người theo chủ nghĩa trọng tiền phê phán gay gắt là việc sử dụng hỗ trợ chính phủ một cách không hiệu quả, nhiều trường hợp có yếu tố lợi ích nhóm, điểm yếu về cơ cấu kinh tế không được khắc phục. Bài học về các gói cứu trợ giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 đã để lại hệ lụy lạm phát, nợ xấu và mất đà tăng trưởng mà nền kinh tế nước ta nhiều năm sau phải giải quyết.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là chủ trương hoàn toàn đúng, là động lực mà chính phủ chủ động nhất hiện nay để ngăn chặn đà suy thoái. Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng chạy giải ngân ào ạt vào những công trình chưa thật cần thiết, công trình kém chất lượng, do tiềm ẩn tình trạng "lựa chọn ngược" và "rủi ro đạo đức". Hơn nữa, tác động của lượng đầu tư công gia tăng đến tăng trưởng kinh tế như thế nào một phần sẽ phụ thuộc vào độ lớn của "số nhân" chi tiêu chính phủ, biến này sẽ phụ thuộc vào tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công đến thu nhập, đến "khuynh hướng tiêu dùng cận biên" của các đối tượng thụ hưởng từ các công trình đầu tư công. Trong trường hợp nguồn đầu tư công còn tồn đọng, chưa giải ngân được hết, cần tính đến phương án cứu trợ các doanh nghiệp không chỉ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch mà còn có có tiềm năng bật dậy tốt sau đại dịch. Để tránh "thất bại Keynes" trong quá trình phục hồi kinh tế, việc hỗ trợ tài khóa phải đi kèm khắc phục được những khiếm khuyết mang tính "cơ cấu" của nền kinh tế.    

Cuối cùng, đồng thuận với bội chi ngân sách tăng thêm không chỉ là tập trung gia tăng chi tiêu của chính phủ. Giảm thu, giảm chi phí của nền kinh tế, khoan sức dân cần được coi là một giải pháp căn cơ tác động đến cả cung và cầu. Việc tiếp tục giãn, giảm, miễn thuế cần được nghiên cứu cho phù hợp hơn với thời gian đủ dài để các kích thích này mang lại hiệu quả, đồng thời đã có ý kiến mạnh dạn đề xuất giảm thuế VAT, các loại thuế, phí đánh vào xăng dầu...       

Về chính sách tiền tệ

Dư địa chính sách tiền tệ phần lớn là nằm ở mức độ giảm lãi suất hiện nay. Có khá nhiều quan điểm hiện tại cho rằng không có nhiều dư địa để hạ lãi suất cho vay vì khả năng giảm lãi suất phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát. Nếu lãi suất xuống ngang hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy qua các kênh khác như vàng, bất động sản và có thể gây ra "bong bóng" của các thị trường này, khi đó quá trình hồi phục nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro. Hiện tại, chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát (lãi suất thực) đã khá nhỏ, đồng nghĩa với dư địa còn rất hẹp. Do vậy, muốn giảm lãi suất thêm, chúng ta cần phải giảm được tỷ lệ lạm phát. 

Về phía ngân hàng thương mại, có thể sẽ giảm thêm lãi suất cho vay nhờ cắt giảm chi phí và thu nhập, nhưng mức giảm không nhiều do lãi suất huy động vẫn đang cao. Ngược lại, về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh Covid-19 xuất hiện trở lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh, mức lãi suất hiện tại còn quá cao với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Số liệu ước tính cho thấy, ngoại trừ doanh nghiệp khối FDI và một số doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, hầu hết doanh nghiệp hiện nay có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi vay ngân hàng. 

Do vậy, để hỗ trợ và thậm chí giải cứu doanh nghiệp, cần đưa ra giải pháp đột phá về lãi suất, như các gói vay lãi suất 0% cho các ngành hàng không, du lịch,... Tuy nhiên, các gói vay này về bản chất lại là hỗ trợ tài khóa, vì hỗ trợ này rốt cuộc là sử dụng ngân sách, ngân hàng chỉ là nơi giải ngân hỗ trợ. Chưa bao giờ, sự phối hợp của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa cần chặt chẽ hơn và cũng chưa bao giờ ranh giới khác biệt về tác động của các chính sách này lại trở nên mờ nhạt như hiện nay. Có chuyên gia kinh tế đã đề xuất cần "đưa bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính" về chung một mối trong bối cảnh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, bằng những giải pháp "khác thường" để điều hòa vốn ngân sách thông qua các chính sách mang tính tiền tệ.   

Cuối cùng rồi đại dịch cũng sẽ qua đi, để lại cả những dấu ấn tốt đẹp về những mặt tốt của xã hội chúng ta, nhưng quan trọng hơn là những bài học sâu sắc cần rút ra để không lặp lại những sai lầm về chính sách từ xử lý các cuộc khủng hoảng trước đó. Với khả năng của nước có thu nhập trung bình còn thấp, ngân sách còn rất eo hẹp để đối phó với cú sốc, tổng thể kịch bản ứng phó, quy mô và liều lượng cụ thể của từng biện pháp hỗ trợ cần phải là đáp án trong cuộc thảo luận sâu sắc và cởi mở của các nhà kinh tế và hoạch định chính sách, và lần này là có thêm từ cả hai cộng đồng học thuật - các chuyên gia y tế công cộng và các nhà kinh tế vĩ mô.

GS. Trần Thọ Đạt – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và An Nguyễn – Trường Kinh tế London

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên