MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến ngành nào?

29-03-2017 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia cho rằng không ai mong lãi suất huy động tăng ngoài người gửi tiền. Tăng lãi suất sẽ khiến cho cả nền kinh tế gặp khó.

Nhiều người lo ngại lãi suất huy động và cho vay thời gian tới chịu áp lực tăng, sẽ tác động thế nào nền kinh tế nói chung, tới thị trường chứng khoán, bất động sản nói riêng cũng như ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp, các ngân hàng?

Bàn luận về vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến "Đường đi lãi suất năm 2017" do Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Trang tin Tài chính kinh tế CafeF.vn chiều ngày 28/3, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân công ty chứng khoán SSI nhận định trên thị trường chứng khoán, không ai thích lãi suất tăng, chỉ thích lãi suất thấp. Lãi suất thấp sẽ giúp định giá tăng. Về dòng tiền, lãi suất thấp sẽ khiến dòng tiền tìm kiếm các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn như chứng khoán.

Nếu lãi suất dần tăng từ nay đế cuối năm sẽ là tín hiệu không tích cực cho kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Giả định lãi suất tăng sẽ tác động tới ngành bất động sản rõ nhất, đây là ngành tỷ lệ nợ vay nhiều, khi lãi suất tăng ảnh hưởng chi phí vay tăng lên, ảnh hưởng đến nhu cầu người mua nhà.

"Theo thống kê của chúng tôi có được, dư nợ ngành BĐS trên sàn chứng khoán lớn nhất thị trường. Vào cuối năm 2016 tổng vay nợ dài hạn của ngành BĐS vào khoảng 83,8 nghìn tỷ, tổng vay nợ ngắn hạn 29,2 nghìn tỷ đồng. Thứ hai là ngành thực phẩm đồ uống, vay dài hạn 57 nghìn tỷ, ngắn hạn 42 nghìn tỷ, cơ cấu vay tập trung vào ngắn hạn vì họ cần vốn lưu động", ông Linh cho biết.

Ngoài ra, lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp vay nợ nhiều ảnh hưởng. Khi lãi suất tăng sẽ có yếu tố chuyển giá cho người mua và tăng lợi nhuận.

Với ngành ngân hàng, ông Linh nhận xét lãi suất tăng nhìn chung sẽ có lợi cho ngành này. Trong 11 tuần sau khi ông Donald Trump thắng cử thì kỳ vọng lãi suất tăng nhanh, kèm theo đó dòng tiền vào các quỹ đầu tư ngành tài chính ngân hàng tăng, khoảng 14,5 tỷ USD. Ngược lại, ngành BĐS 8 tuần liên tiếp bị rút khoảng 6,1 tỷ USD tại Mỹ.

Tại Việt Nam, việc lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng. Trong năm 2017, các ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng không quá cao. Trong khi đó, chính sách chung của NHNN là điều tiết, giữ ổn định tăng trưởng tín dụng và huy động thì tôi nghĩ các ngân hàng sẽ "kén cá chọn canh" khách hàng và có thể chuyển giá sang cho khách hàng và được hưởng lợi.

Còn TS. Nguyễn Đức Độ, Chuyên gia - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng không ai mong lãi suất huy động tăng ngoài người gửi tiền. Tăng lãi suất sẽ khiến cho cả nền kinh tế gặp khó. Riêng đối với ngân hàng, nếu lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay sẽ tăng theo, nhưng khả năng ở mức thấp hơn vì nền kinh tế hiện tại đang yếu. Quy mô tín dụng khả năng cũng sẽ không tăng mạnh như năm 2016. Điều này sẽ khiến lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm và nguồn lực để xử lý nợ xấu cũng giảm theo.

Cùng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực cho biết lãi suất tăng thì đương nhiên ảnh hưởng đến các lĩnh vực của nền kinh tế. Với chính sách của NHNN về kiểm soát cho vay với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán thì cũng có khó khăn nhất định. Nhưng nếu chủ đầu tư làm tốt thì vẫn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên