Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận VHM và MSN, khối ngoại bán ròng 15.850 tỷ đồng trên HoSE
VIC, VRE, HPG bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.Khối ngoại giảm bán ròng trên HoSE nhưng tăng mạnh tại HNX.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 6 tháng đầu năm không mấy tích cực do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Các chỉ số giảm mạnh trong quý I và hồi phục trở lại vào quý II. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index dừng ở mức 825,11 điểm, giảm 14,14% so với cuối năm 2019. Ở chiều ngược lại, HNX-Index tăng 7,1% lên 109,76 điểm.
Ngoài ra, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong 6 tháng đầu năm đã góp phần gây áp lực lên các chỉ số. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn hơn 3.321 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tăng 47,3% so với 6 tháng cuối năm 2019. Cụ thể, khối này mua vào hơn 95.167 tỷ đồng, tăng 42,8% so với 6 tháng cuối năm 2019 và bán ra gần 98.480 tỷ đồng, tăng 42,9%.
Riêng HoSE, dòng vốn ngoại bán ròng còn 537,6 tỷ đồng, giảm 79% so với 6 tháng trước. Trong đó, giá trị mua ròng thoả thuận lên đến 15.313 tỷ đồng. Nếu không tính lượng thoả thuận lớn này thì nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 15.850 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách bán ròng là VIC với 2.842 tỷ đồng. HPG tiếp tục bị rút vốn 1.098 tỷ đồng, VRE bị bán trở lại 1.108 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với hơn 13.581 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu không tính 2 giao dịch thỏa thuận VHM khối lượng lớn ngày 6/5 theo chiều bán với gần 2.146 tỷ đồng và mua khoảng 15.100 tỷ đồng ngày 15/6, khối ngoại chỉ mua ròng hơn 610 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF mới được niêm yết trong nửa đầu năm nay là Diamond và FIN Lead đều lọt vào top 10 mua ròng, chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận.
CTG, MSN được mua ròng trở lại với giá trị lần lượt là 356,8 tỷ đồng và 277 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 14/5, MSN được GIC mua thoả thuận 2.335 tỷ đồng với mức giá 60.000 đồng/cp.
Trên HNX, nhà đầu tư đẩy mạnh bán ròng hơn 2.033 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 463,6 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm. SHB bị bán ròng trở lại với hơn 923 tỷ đồng. PVS bị bán 12 tháng gần đây với tổng giá trị hơn 894 tỷ đồng. SHS, TNG tiếp tục bị rút vốn 101,5 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VCS được mua trở lại với hơn 66 tỷ đồng. SLS và PVI được mua vào 12 tháng và 18 tháng gần đây với tổng giá trị lần lượt là 16 tỷ đồng và 535 tỷ đồng.
Tại UPCoM, khối này quay đầu bán ròng hơn 750 tỷ đồng sau khi mua vào gần 772 tỷ đồng 6 tháng trước. ACV, QNS bị bán ròng trở lại 415,6 tỷ đồng và 44,7 tỷ đồng. Theo sau là TID, BSR với giá trị lần lượt là 284 tỷ đồng và 217 tỷ đồng. Trong khi đó, VTP, VEA được mua vào 12 tháng gần đây với tổng giá trị gần 320 tỷ đồng và 88 tỷ đồng. LPB, MCH cũng được mua trong 6 tháng đầu năm với giá trị lần lượt là 64,6 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Người đồng hành