Nếu lựa chọn rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được hưởng những khoản tiền dưới đây
Hiện nay, nhiều người lao động (NLĐ) có xu hướng lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần (BHXH). Bài viết sau sẽ so sánh trường hợp NLĐ nhận BHXH một lần với việc nhận lương hưu hằng tháng
- 16-10-2022GRDP 9 tháng đầu năm của 5 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước 2021 thay đổi ra sao, Hải Phòng còn ở top 1?
- 15-10-2022Hải Phòng: Thúc tiến độ xây dựng các bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện
Trường hợp nào được nhận BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc?
Theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc là bao nhiêu?
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Người lao động được tính mỗi năm đóng bảo hiểm bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với những năm đóng trước năm 2014). Đối với những năm đóng từ năm 2014 trở đi, người lao động được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Những hạn chế khi lựa chọn hưởng BHXH một lần?
Khi lựa chọn hưởng, người lao động không được hưởng các phúc lợi đi kèm việc hưởng lương hưu như: trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất, được BHYT chi trả chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định pháp luật.
Đối với trợ cấp mai táng, khoản tiền này được quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, trợ cấp mai táng dành cho gia đình/người lo mai táng trong trường hợp người lao động chết bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Đối với trợ cấp tử tuất, khoản tiền này được quy định căn cứ theo Điều 68, Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Về mức trợ cấp tử tuất một lần, đối với những năm trước 2014, mức hưởng là 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đã đóng BHXH. Đối với những năm từ 2014 trở đi, mức hưởng là 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đã đóng BHXH.
Tình huống dưới đây có thể cho thấy tổng lương hưu nhận được cao hơn việc rút BHXH một lần
Giả sử, người lao động đã làm việc và đóng BHXH 20 năm với mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là 7 triệu đồng/tháng. Giả định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022, lương hưu hưởng đến khi chết.
- Đối với mức lương hưu:
Nếu là lao động nam:
+ Tỷ lệ 45%, mức lương hưu là 3.150.000 đồng. Theo kết quả công bố của Tổng cục Thống kê năm 2020, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi thì số tháng hưởng lương hưu khi nghỉ hưu ở 60 tuổi 6 tháng đến khi chết là 126 tháng. Tổng lương hưu nhận được = 126 x 3.150.000 = 369.900.000 đồng
+ Mua thẻ bảo hiểm y tế (4.5% lương hưu hằng tháng) = 4.5% x 126 x 3.150.000 = 17.860.500 đồng
+ Trợ cấp mai táng (10 tháng lương cơ sở) = 14.900.000 đồng
+ Trợ cấp tử tuất một lần (03 tháng lương hưu trước khi chết) = 3 x 3.150.000 = 9.450.000 đồng
Vậy tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH khi hưởng lương hưu = 412.110.500 đồng
Nếu là lao động nữ:
+ Tỷ lệ 55%, mức lương hưu là 3.850.000 đồng. Theo kết quả công bố của Tổng cục Thống kê năm 2020, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76.3 tuổi thì số tháng hưởng lương hưu khi nghỉ hưu ở 55 tuổi 8 tháng đến khi chết là 247 tháng. Tổng lương hưu nhận được = 247 x 3.850.000 = 950.950.000 đồng
+ Mua thẻ bảo hiểm y tế (4.5% lương hưu hằng tháng) = 4.5% x 247 x 3.850.000 = 42.792.750 đồng
+ Trợ cấp mai táng (10 tháng lương cơ sở) = 14.900.000 đồng
+ Trợ cấp tử tuất một lần (03 tháng lương hưu trước khi chết) = 3 x 3.850.000 = 11.550.000 đồng
Vậy tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH khi hưởng lương hưu = 1.020.192.750 đồng
- Đối với BHXH một lần:
Số tiền BHXH một lần = 7.000.000 x (1.5 x 13 năm + 2 x 7 năm) = 234.500.000 đồng
Như vậy, có thể thấy nếu người lao động chọn rút BHXH một lần sẽ tổn thất một khoản tiền lớn khi không đợi hưởng lương hưu.
Nhịp sống kinh tế