MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu tiếp tục giãn cách chống dịch, số doanh nghiệp giải thể sẽ rất cao

09-09-2021 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

Theo khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm đến tới gần 70%. Nếu các DN tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì khả năng giải thể là rất cao.

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao

Theo khảo sát về tình hình sức khỏe tài chính của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5/2021 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện mới đây, số DN tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chiếm tỷ lệ khá cao.

Cụ thể, trong tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát online, số DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm đến 69%; 16% DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và 15% DN giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể.

Số DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây cũng là những tỉnh/thành phố có số ca mắc Covid-19 cao hiện nay và phải thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài. Lý do khiến nhiều DN phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%.

Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau. Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương/địa bàn hiểu một kiểu.

“Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe”, đại diện Ban IV cho biết.

Bên cạnh đó, tỷ lệ DN buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các DN không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các DN khác.

Gần 40% DN chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động dưới 1 tháng

Dòng tiền được ví như “máu” của DN. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy tỷ lệ DN “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền giúp DN duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các DN đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất, chiếm 45% có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng; tỷ lệ này ở DN tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần là 39,5%; ở DN nhà nước là 30%; còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%.

“Nếu các DN tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao”, đại diện Ban IV cảnh báo.

Tỷ lệ DN có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở mức 46%. Trong khi tỷ lệ DN đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có dòng tiền để duy trì hoạt động hơn 6 tháng chỉ 17%.

Vì thế, Ban IV cho rằng, DN tạm ngừng hoạt động do dịch có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

“Thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là mang tính chất quyết định để “cứu nguy” cho DN, nếu chính quyền có thể hỗ trợ DN vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các DN tổ chức được sản xuất, kinh doanh”, đại diện Ban IV nhận định.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, DN là nền tảng cho sự thịnh vượng của quốc gia. Do vậy, việc hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải đối diện một thực tế là Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho toàn bộ hay để cứu các DN.

“Khi không thể hỗ trợ cho DN bằng các nguồn lực tài chính, sự hỗ trợ của Nhà nước có thể bằng các biện pháp hỗ trợ phù hợp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hoặc sử dụng ngân sách bù đắp một phần chi phí tiền điện, đóng thay một phần chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động”, TS. Lê Duy Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, cần kiên quyết loại bỏ các quy định phòng chống dịch bất hợp lý khiến chi phí của DN tăng cao, hay nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành cũng là các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho DN.

Đặc biệt, theo TS. Lê Duy Bình, cách hỗ trợ tốt nhất là tìm kiếm và triển khai bất kỳ cơ hội, không gian và dư địa nào có thể để trả lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

“Các cơ hội có thể đến từ tiêm vaccine, đến từ các biện pháp và quy định phòng dịch và kiểm soát dịch tễ phù hợp, hợp lý, từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong các biện pháp chống dịch tạo thuận lợi cho DN nhằm tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng cũng vẫn duy trì được sản xuất, duy trì được chuỗi cung ứng”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh./.

Theo Diệp Diệp

VOV

Trở lên trên