Nga mất vị trí xuất khẩu vũ khí thứ hai thế giới
Theo dữ liệu mới do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 10/3, Nga lần đầu tiên để mất vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
- 11-03-2024Khủng hoảng ngành y Hàn Quốc chưa tìm được lối thoát: Bộ Y tế gửi thông báo đình chỉ tới 5.000 bác sĩ đình công, học sinh 10 trường y tẩy chay lớp học
- 11-03-2024Máy bay hạ cánh trong tình trạng ‘toang’ cửa hầm hàng
- 11-03-2024Công ty ở Trung Quốc bị điều tra vì đăng tuyển người mang thai hộ
Bản báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Nga đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Mỹ và Pháp trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên Nga để mất vị trí thứ hai.
Xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 53% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018. Báo cáo của SIPRI lưu ý, sự sụt giảm diễn ra nhanh chóng trong suốt 5 năm qua. Số lượng khách hàng quan trọng của Nga cũng đã giảm từ 31 xuống còn 12 quốc gia trong giai đoạn này.
Ông Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Chuyển giao Vũ khí của SIPRI cho hay, triển vọng xuất khẩu vũ khí của Nga rất ảm đạm.
“Đây không chỉ là sự sụt giảm tạm thời, xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ không thể phục hồi ở mức mà chúng ta đã thấy trước đây”, ông Wezeman nhấn mạnh.
“Chúng ta sẽ thấy những thách thức rất lớn đối với Nga để tiếp tục trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn trên thế giới. Các số liệu hiện cho thấy, Nga đang bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, các đơn đặt hàng lớn mới có thể xuất hiện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy chúng. Với những đơn đặt hàng đã có, chúng ta hãy chờ xem Nga có thể giao hàng hay không”, ông Wezemen nói thêm.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 2 năm qua đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên công nghiệp quân sự của Nga.
Ngành công nghiệp trong nước và thương mại ở nước ngoài của Nga bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù Moscow đã tìm cách lách qua các lệnh trừng phạt, nhưng việc bị hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây đã làm suy yếu hoạt động sản xuất vũ khí tiên tiến hơn của nước này.
Việc bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế cũng cản trở khả năng thực hiện các giao dịch của Nga.
“Câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp vũ khí Nga có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu trong nước và xuất khẩu ở mức độ nào, đồng thời cũng tính đến các biện pháp trừng phạt liên quan đến công nghệ mà Nga vẫn cần để sản xuất vũ khí cũng như phương thức thanh toán trong điều kiện bị cấm vận. Điều này dường như đang cản trở các thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ”, ông Wezemen nói.
Hiệu suất của vũ khí Nga trên chiến trường Ukraine hầu như không giúp ích được gì cho các nhà kinh doanh công nghiệp quốc phòng. Nhiều tàu chiến Nga bị đánh chìm, máy bay bị bắn hạ và các hệ thống phòng không tỏ ra không hiệu quả. Một số mặt hàng có giá trị lớn của Nga vẫn chưa được giao cho khách hàng.
Nga mất nhiều thị trường quan trọng
Xuất khẩu sụt giảm đã khiến ngành công nghiệp vũ khí Nga phụ thuộc vào châu Á và châu Đại Dương, những quốc gia chiếm 68% tổng khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn 2019-2023. Ấn Độ chiếm 34% và Trung Quốc 21%. Tuy nhiên, New Delhi và Bắc Kinh đang nổi lên như những cường quốc tiềm năng trong lĩnh vực quốc phòng và ngày càng có ít nhu cầu hơn về vũ khí Nga.
“Đó là hai thay đổi lớn mà chúng tôi thấy trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga và điều đó có tác động đáng kể đến tổng mức xuất khẩu vũ khí của Nga”, ông Wezeman nói về trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc.
“Họ [Nga] không thể thuyết phục Ấn Độ mua thêm máy bay chiến đấu. Ấn Độ đã quay sang Pháp. Ấn Độ đang tìm hiểu về khả năng tác chiến chống tàu ngầm tiên tiến của Mỹ. New Delhi cũng đang phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình và hiện có thể sản xuất tàu chiến, máy bay chiến đấu, những thứ mà trước đây họ thường mua từ Nga”, ông Wezemen nói thêm.
Những lo ngại về chính trị cũng là một yếu tố tác động tới những khách hàng thân thiết nhất của Nga. Chẳng hạn, Ấn Độ muốn chứng tỏ họ có thể hợp tác với Mỹ để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Điều tương tự cũng đúng với Ai Cập, quốc gia đã cắt giảm chi tiêu cho vũ khí của Nga xuống gần như bằng không, ưu tiên hàng hóa, viện trợ quân sự và hỗ trợ chính trị của Mỹ.
Ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc hiện có đủ khả năng tự đáp ứng nhu cầu của mình mà không cần phải nhập khẩu từ Nga, mặc dù vẫn có một số ngoại lệ.
“Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào thiết bị của Nga, đặc biệt nếu họ có thể tạo ra những thứ có chất lượng tương đương hoặc hơn trong tương lai. Vì vậy, thị trường này thực sự đang biến mất nhanh chóng”, ông Wezemen nhận định.
Hiện chưa rõ Nga có thể bù đắp khoảng trống ngày càng tăng trong xuất khẩu vũ khí của nước này ở đâu.
Theo ông Wezeman, ở châu Âu, chắc chắn Nga không còn quan trọng như trước đây nữa. Ở Trung Đông, Nga cũng chưa bước đột phá thực sự. Ở Mỹ Latin, Nga từng thống trị thị trường Venezuela trong vài năm cho đến khi quốc gia này rơi vào suy thoái kinh tế.
“Nơi duy nhất có thể thực sự quan tâm đến vũ khí Nga sẽ là Trung Đông. Nhưng ngay cả ở khu vực này, tôi nghĩ còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào”, ông Wezeman nói thêm.
VOV