MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngại uống bia vì lo mất an toàn giao thông và sợ "thổi" nồng độ cồn? Một hãng bia miền Trung tung chiêu bán bia tặng kèm voucher taxi ngay tại quán

05-04-2023 - 15:10 PM | Doanh nghiệp

Tụ tập cùng bạn bè uống bia bên ngoài, vui thì vui đấy, nhưng làm sao để tránh gặp phải những điều đáng tiếc khi tham gia giao thông; tránh vi phạm an toàn giao thông? Mới đây, một nhãn bia đã tặng voucher taxi cho những người uống sản phẩm của hãng tại quán.

Ngại uống bia vì lo mất an toàn giao thông và sợ "thổi" nồng độ cồn? Một hãng bia miền Trung tung chiêu bán bia tặng kèm voucher taxi ngay tại quán - Ảnh 1.

Nhằm khuyến khích khách hàng “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, một thương hiệu bia tại Quảng Ngãi sẽ tặng voucher taxi cho những khách hàng sử dụng sản phẩm của mình tại một số nhà hàng, quán ăn có nhân viên bán hàng nữ ở các Khu vực trung tâm Thành phố, Thị xã, Thị trấn trong tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình được phối hợp với các hãng Taxi Mai Linh và Sun Taxi.

Đây là một chiến dịch nhằm kích cầu tới khách hàng của Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (Mã CP: QNS) tại kênh tiêu thụ truyền thống là các nhà hàng, quán ăn trong bối cảnh các quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đang được thực hiện nghiêm ngặt, người tiêu dùng có tâm lý lo ngại và hạn chế sử dụng bia tại quán.

Trên thực tế, những quy định liên quan phòng chống tác hại của rượu bia không phải mới. Từ 01/01/2020, người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 đến 24 tháng nếu phát hiện nồng độ cồn vượt mức cho phép trong máu, hơi thở.

Ngại uống bia vì lo mất an toàn giao thông và sợ "thổi" nồng độ cồn? Một hãng bia miền Trung tung chiêu bán bia tặng kèm voucher taxi ngay tại quán - Ảnh 2.

Ảnh: qns.com.vn

Công ty CP đường Quảng Ngãi đứng thứ 96 trong TOP 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022 theo xếp hạng của VNR500. Doanh nghiệp được biết đến nhiều nhất với sản phẩm sữa đậu nành mang thương hiệu Vinasoy Fami.

Trong kết quả kinh doanh chung năm 2022, mảng sữa đậu nành đã đóng góp hơn 50% doanh thu cho công ty, tương đương 4.304 tỷ đồng.

Bên cạnh sữa đậu nành, QNS còn sở hữu các mảng sản phẩm khác như đường (An Khê, Quảng Ngãi), nước khoáng (Thạch Bích), bánh kẹo (Biscafun), bia (Dung Quất, Hello High)...

Trong đó, bia Dung Quất đã xuất hiện trên thị trường từ nửa cuối năm 1993 và có thương hiệu nhất định trong khu vực miền Trung. Nhà máy nước Bia Dung Quất hiện nay có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm.

Mặt hàng bia của QNS chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2022, đã bước đầu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Năm 2022, nhà máy sản xuất và tiêu thụ khoảng 54 triệu lít bia tăng 2% so với năm 2021. Tuy nhiên, chưa đạt được mức kỳ vọng của Công ty.

Nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, năm 2022, QNS đã tung ra sản phẩm Bia Hello High, kỳ vọng bứt phá tại thị trường trong tỉnh.

Thị trường bia Việt Nam lâu nay được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Theo nghiên cứu của MB Securities, năm 2021, 4 hãng này chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Heineken với 44,4% thị phần, Sabeco xếp ở vị trí thứ hai với 33,9%.

Đi cùng với độ phủ về thương hiệu và thị phần, chi phí marketing, quảng cáo các hãng phải bỏ ra luôn là rất lớn.

Từ năm 2015 đến nay, chưa năm nào Sabeco chi dưới nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại. Chi phí này liên tục tăng kể từ năm 2018, đặc biệt trong 2 năm gần nhất tăng vọt lên gần 2.200 tỷ (năm 2021) và vượt 3.000 tỷ (năm 2022). Số tiền Sabeco chi cho quảng cáo mỗi năm thậm chí còn lớn hơn doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Habeco cũng chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các quảng cáo, khuyến mại. Sau thời kỳ Covid tiết giảm, năm 2022, các chiến dịch gia tăng nhận diện thương hiệu của Habeco rầm rộ trở lại với chi phí tăng vọt lên gần 650 tỷ đồng (tăng 66% so với 2021), tuy nhiên vẫn chưa bằng mức trước dịch (2019).

Các doanh nghiệp bia quy mô nhỏ hơn như QNS thì tìm cách chiếm lĩnh thị trường phân mảnh ở các tỉnh với lợi thế về hệ thống phân phối, mức giá cạnh tranh, đồng thời dồn ngân sách quảng cáo cho những chiến lược marketing riêng biệt, không có độ hoành tráng và nhận diện cao nhưng đạt được hiệu quả trực tiếp tại một khu vực cụ thể.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên