Ngắm bảng hiệu Thế giới di động, FPT Shop, Nguyễn Kim được quy hoạch đồng bộ trên con phố "kiểu mẫu" của Thủ đô
Sử dụng hai màu nền xanh và đỏ, giới hạn kích thước biển là một thách thức đối với những người làm thiết kế cũng như những thương hiệu quen thuộc đã có mặt trên thị trường từ rất lâu.
- 07-05-2016FPT Trading sẽ nối gót FShop bán trong năm nay
- 20-04-2016Tương lai nào đang chờ Thế giới di động và FPT Shop? Câu trả lời có thể thấy từ ... chiếc nồi cơm điện
Con đường kiểu mẫu của thủ đô đã và đang được đưa vào hoạt động. Với chiều dài tuyến đường hơn 1,5km, mặt cắt ngang rộng 30m với 4 làn xe thì Lê Trọng Tấn được xem là một trong những tuyến đường phù hợp cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương nhỏ lẻ.
Mặc dù vậy, với quy định về biển hiệu của các cửa hàng trên phố phải được đặt cách mặt đất 3,2 tới 3,3m và chiều cao bảng biển là 1,1m đã tạo khá nhiều khó khăn cho các hộ kinh doanh trong việc đưa hình ảnh nhận diện thương hiệu của mình lên tấm biển. Vấn đề này còn khó nữa nữa khi quy định có nêu những biển này chỉ được sử dụng với 2 màu nền là xanh hay đỏ.
Biển hiệu mới theo quy định. (Ảnh: Dân Trí)
Mặc dù có nhiều cửa hàng hay công ty vui mừng với quy định mới do nhận diện thương hiệu của họ đáp ứng đủ những nhu cầu trên, thế nhưng có nhiều cửa hàng hay nhà bán lẻ sẽ phải chật vật trong việc tìm nhận diện thương hiệu mới để sớm được "cắm dùi" trên con đường kiểu mẫu này.
Tất nhiên, sẽ có nhiều thương hiệu gặp phải vấn đề lớn khi trong suốt khoảng thời gian vừa qua xây dựng hình ảnh thương hiệu bắt mắt đầy màu sắc, việc sử dụng 2 màu chủ đạo xanh và đỏ đôi lúc không đúng với nhiều cửa hàng. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu các cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp phổ biến tái thiết kế biển hiệu theo quy định mới?
Những tấm biển với ánh sáng lấp lánh hay màu sắc bắt mắt sẽ được loại bỏ để đảm bảo mỹ quan đô thị ở con đường kiểu mẫu. Thế nhưng, nó đồng thời là bài toán cực khó khăn với các thương hiệu như Thế giới di động hay FPT Shop...
Vẫn được biết tới với màu xanh dịu dàng bắt mắt, thế nhưng sẽ ra sao nếu Vinaphone phải sử dụng màu đỏ cho nền của mình? Cả Viettel nữa, liệu nhà mạng này có phải "vẽ" lại logo để phù hợp cùng con phố mới?
Vinamilk có lẽ sẽ là thương hiệu ít thay đổi nhất trong lần này do truyền thống sử dụng chữ trắng với nền xanh quen thuộc. Thế nhưng, thay vì màu xanh lá cây mát mẻ, Oppo sẽ phải sử dụng màu trắng cho phần chữ, và thương hiệu của họ sẽ còn đơn giản hơn nữa nếu sử dụng đúng font chữ theo quy định.
Đoạn đường "công nghệ" với các thương hiệu nổi tiếng, nếu không thay đổi màu sắc, trung tâm điện máy Nguyễn Kim khó lòng nhận biết được từ xa. Và rồi màu vàng quen thuộc của Thế giới di động sẽ kém bắt mắt hơn khi chuyển qua trắng.
Tất nhiên, các thương hiệu lớn sẽ có cách thức để thích nghi với quy định mới này. Việc tối giản hoá màu sắc hiển thị trên bảng thật sự là thách thức lớn đối với những người làm thiết kế để tối ưu hoá thương hiệu. Thế nhưng nên nhớ rằng, những thử thách khó khăn luôn đưa con người tới với những giải pháp tối ưu toàn diện và biết đâu nhiều cửa hàng, doanh nghiệp sẽ thay đổi mãi bộ nhận diện của mình sau này?
Trí thức trẻ/CafeBiz