MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngắm "báu vật sống" linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ

03-05-2022 - 17:49 PM | Xã hội

Ngắm "báu vật sống" linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ

Những cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được người dân bản Nật Trên xem như những "báu vật sống", là nơi linh thiêng thờ cúng và cầu nguyện.

Ở bản Nật Trên (xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) có 3 cây thị mọc lên thành 3 góc ở ngay trung tâm bản. Dân bản nơi đây coi 3 cây thị này là những "báu vật sống", là nơi thờ cúng linh thiêng, chứng kiến những sự kiện và lớn lên của người dân trong bản.

Ông Lô Xuân Thái - già làng uy tín của bản Nật Trên cho biết, từ ngày những người đầu tiên đến lập bản thì đã thấy 3 cây thị này rồi. Không ai biết chính xác những cây thị này đã bao nhiêu tuổi nhưng ước chừng phải hàng trăm năm tuổi.

 Ngắm báu vật sống linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ - Ảnh 1.

Ở bản Nật Trên từng có 3 cây thị cổ thụ nhưng chục năm trước 1 cây đã bị chặt hiện còn 2 cây nguyên bản.

Trong số 3 cây thị ở bản Nật Trên thì có 1 cây đã bị chặt hơn chục năm trước. 2 cây còn lại đang phát triển tươi tốt, một nằm ở trong vườn nhà dân, 1 cây ở khuôn viên nhà văn hóa bản.

Cây thị ở nhà văn hóa bản là cây lớn nhất và cũng là cây linh thiêng nhất. Cây thị này được người dân nơi đây gọi với tên là "Có Pụ" với hàm nghĩa chỉ cây thiêng.

 Ngắm báu vật sống linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ - Ảnh 2.

Cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm và được người dân bản Nật Trên coi là "báu vật sống".

"Năm 7 tuổi, tôi đã nghe cụ bà 120 tuổi trong bản kể rằng, từ nhỏ bà đã thấy những cây thị này phát triển tươi tốt rồi. Cây thị lớn nhất ở khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng bản, một cây ở phía đối diện và cây còn lại nằm trong vườn nhà dân.

Cây thị cổ thụ cũng được cho là nơi trú ngụ của vị thần cai quản linh hồn của người dân bản Nật Trên, được người dân tôn thờ, xem đó là "báu vật sống" của bản", ông Lô Xuân Thái chia sẻ.

 Ngắm báu vật sống linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ - Ảnh 3.

Thân cây thị rất lớn, phải hơn 10 người lớn ôm mới xuể, tán cây bao trùm 1 diện tích rộng.

Gốc cây thị Có Pụ có kích thước khổng lồ với chiều cao khoảng 25m, tán lá cây xòe rộng cả một diện tích rộng lớn hàng chục mét vuông. Gốc cây thị này phải đến hơn 10 người lớn ôm mới xuể.

Do đây là cây linh thiêng, nên từ lâu người dân xây một miếu thờ nhỏ ngay cạnh gốc cây thị, một kiểu đền bản của người Thái ở vùng cao Nghệ An để thắp hương cầu bình an cho dân làng.

Người dân bản Nật Trên quan niệm cây thị cổ thụ này hàng trăm năm qua luôn mang cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây nên đã chọn nơi đây làm lễ cúng "lắc xừa" hay còn gọi là việc bàn (việc bản).

Lễ cúng được diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch hàng năm. Vào ngày lễ, cả bản nghỉ việc nương rẫy, đồng áng. Mỗi nhà làm một mâm cúng mang đến ngôi đền cạnh cây thị dâng lễ vật lên cúng "tổ tiên". Mâm lễ vật được làm bằng moọc, chế biến từ cá, gạo giã nhuyễn và một số gia vị rồi hông chín. Đặc biệt, trên mâm lễ vật không thể thiếu một chai rượu.

"Khi làm lễ, người đứng đầu bản cầu khấn với tổ tiên cho một năm được mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tươi tốt, mọi người được sức khỏe, cho các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi…", ông Lô Văn Nguyên - Trưởng bản Nật Trên chia sẻ.

Sau khi làm lễ, bà con tập trung về nhà người đứng đầu bản mở hội rượu cần. Những năm gần đây, người dân chọn nhà văn hóa cộng đồng và xung quanh cây thị làm nơi lễ hội. Người dân bản Nật Trên coi những cây thị cổ thụ này là "báu vật sống" linh thiêng của dân bản này.

 Ngắm báu vật sống linh thiêng hàng trăm năm tuổi của người dân miền núi xứ Nghệ - Ảnh 4.

Mỗi khi có việc quan trọng hoặc đến ngày lễ, người dân sẽ làm lễ thắp hương và tổ chức lễ hội ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này.


https://soha.vn/ngam-bau-vat-song-linh-thieng-hang-tram-nam-tuoi-cua-nguoi-dan-mien-nui-xu-nghe-2022050310405633.htm

Theo Ngọc Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên