MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngậm quả đắng với dự án “vịt giời”

Báo Lao Động Đời Sống mới nhận được đơn phản ánh của hàng trăm khách hàng đã góp vốn đầu tư vào hai dự án Khu dân cư Bình Minh 6B và dự án khu dân cư 6A tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) từ năm 2003 nhưng đến nay sau gần 13 năm chủ đầu tư hai dự án này vẫn chưa thực hiện xong phần đền bù giải tỏa và giao đất. Các khách hàng muốn đòi lại tiền thì cũng không có, còn chủ đầu tư lại không chịu gặp khách hàng.

Chết đứng vì dự án trên giấy

Trong đơn kêu cứu gửi Báo LĐĐS, ông Hòa, một khách hàng của dự án Khu dân cư Bình Minh 6B, cho biết tháng 4.2003, ông cùng 22 người khác ký tham gia “Hợp đồng góp vốn đầu tư” nhằm “xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị khu dân cư Nam Sài Gòn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc khu chức năng số 6B” với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại B&B (B&B). Phương thức hợp tác là cùng góp vốn thành cổ đông, chia lãi lỗ theo quyết toán bằng tiền hoặc bằng nền nhà thương phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng.

Trong các cam kết, chủ đầu tư thể hiện rất rõ thiện chí nếu không nộp tiền đủ theo thời hạn hoặc xảy ra trường hợp bất khả kháng cũng sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà khách hàng nộp. Ngoài hợp đồng, chủ đầu tư cũng ban hành quy chế nội bộ về việc góp vốn đầu tư, quy mô vốn đầu tư của dự án là 20 tỉ đồng, hoàn thành dự án vào tháng 4.2005.

Bên cạnh đó, vào thời điểm ký hợp đồng, theo thông tin từ chủ đầu tư là công ty B&B cho biết đã lập quy hoạch và trình duyệt dự án. Về tiến độ, dự án đang tiến hành đền bù giải tỏa, đã thương lượng hoàn thành khoản 50% diện tích đất…. Tuy nhiên, bốn năm sau thời điểm góp vốn, các khách hàng trên chưng hửng khi nhận được thông tin là dự án không có nền để giao và công ty B&B lại giải thể. Toàn bộ dự án góp vốn được chuyển sang chủ mới, đó là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh, với thông báo mọi quyền lợi được giữ nguyên như cũ.

Tưởng rằng vẫn còn may mắn khi có chủ đầu tư mới thế nhưng tính đến nay, kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn đã 13 năm 4 tháng trôi qua, sự may mắn ấy đã chuyển sang nỗi tuyệt vọng không cùng. Dự án vẫn là một vùng đất hoang, chủ đầu tư tư thì liên hệ bao lần cũng không thể gặp. Những thông tin hiếm hoi duy nhất từ chủ đầu tư đó chỉ là một văn bản được phát đi mỗi năm với những lời hứa hẹn. Và trong bức thư mới nhất được gửi vào tháng 3 năm 2016, thời hạn mà chủ đầu tư đưa ra cho việc hoàn tất hạ tầng kỹ thuật toàn dự án sẽ là vào quý 2 năm 2018.

Cũng rơi vòng trong cảnh ngộ tương tự đó là hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào dự án khu dân cư 6A cũng tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà (Intresco).

Bà Nguyễn Thị Hạnh, một trong số hàng trăm khách hàng của công ty này cho biết mình là nhân viên công ty có mua nền đất 100m2, với giá 150 triệu đồng vào ngày 5.5.2003 theo hình thức góp vốn đổi đất. Theo hợp đồng, công ty này hứa như đinh đóng cột rằng sau 36 tháng góp vốn, khách hàng sẽ được sổ đỏ, xây xong hạ tầng kỹ thuật như: san lấp, lắp hệ thống điện nước, giao thông để cho người dân xây nhà ở... Nhưng đến nay đã 13 năm chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong phần đền bù giải tỏa và giao đất cho bà Hạnh xây dựng nhà, chứ đừng nói gì đến chuyện làm hạ tầng, giao sổ đỏ.

Cũng theo đơn phản ánh của các khách hàng mua dự án này thì vào tháng 4.2002, chỉ bằng quyết định số 47 của Ban quản lý khu Nam TP.HCM ký phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án nhưng công ty đã nhận tiền góp vốn của 239 người. Trong số này chỉ có 47 khách hàng được ký hợp đồng góp vốn, số còn lại chỉ được công ty làm phiếu thu tiền mà không làm hợp đồng góp vốn theo luật. Không những vậy, đến tháng 11.2006 dù chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, công ty vẫn tiếp tục mang một phần lớn đất dự án trong đó có những phần đã bán cho người dân đem bán cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát theo hợp đồng mua bán số 708 mà không thông báo để người dân được biết.

Chủ đầu tư đá trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Lao Động Đời sống, căn cứ hồ sơ pháp lý của dự án Khu dân cư Bình Minh 6B thì vào thời điểm 6.4.2001, Ban Quản lý khu Nam đã ra quyết định phê duyệt 1/500 dự án, UBND huyện Bình Chánh cũng ra quyết định thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, việc đền bù dự án cho đến nay chưa đi đến đâu, mặc dù trong hợp đồng ký kết với khách hàng năm 2003 là “đã thương lượng hoàn thành khoản 50% diện tích đất”.

Thậm chí trong lá thư gửi khách hàng vào ngày 14.3.2016, Công ty Xây dựng Bình Minh cho biết thời gian vừa qua, công ty đã tích cực tiếp xúc thương thảo với phần diện tích 3,6ha của các hộ dân chưa đền bù trong dự án…Tuy nhiên, khi đi thực tế và có mặt tại dự án, chúng tôi ghi nhận một thực tế rất khác. Toàn bộ dự án vẫn như một vùng thôn quê hẻo lánh. Bản thân những người sống trong dự án cho biết, họ được thông báo về dự án này từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy ai liên lạc đền bù giải toả gì đâu. Bản thân họ cũng khổ cực vì bị sống trong vùng dự án treo quá lâu không được hưởng quyền lợi gì cả. Chúng tôi đã liên lạc và đặt lịch hẹn với chủ đầu tư nhưng cũng giống như khách hàng, không có sự hồi âm.

Còn tại dự án Khu dân cư 6A, tại buổi làm việc với các khách hàng mới đây, đại diện chủ dự án cho biết hiện tại còn khoảng 60 hộ dân sống trên đất dự án mà công ty chưa đền bù giải phóng mặt bằng được, tương đương với diện tích 14.155,4m2. Hiện nay, theo chỉ đạo của Ban quản lý khu Nam, công ty tạm ngưng công tác tự thỏa thuận bồi thường với các hộ dân tại dự án, số diện tích còn lại chưa đền bù được công ty sẽ chờ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh phối hợp thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Nguyên nhân của việc này là vì những hộ dân đang sống trên dự án đòi công ty phải đền bù đất với diện tích trên dự án là 100m2, trong khi đất người dân đang sống chỉ có 40 - 60m2 và là nhà cấp 4 nên công ty không thể thực hiện đền bù được. Không những vậy, khi dự án chậm triển khai đã có một số hộ dân đến lấn chiếm đất dự án để xây nhà trái phép nên càng khiến chủ dự án khó khăn trong việc đền bù giải tỏa. Đại diện của công ty này cũng hứa hẹn là sẽ sớm giải quyết.

Theo G.Miêu - V.Minh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên