Ngăn chặn bắt nạt trên mạng xã hội
Bắt nạt trên mạng xã hội không phải là câu chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam.
- 06-10-2022Giá Bitcoin hôm nay 6/10: Vượt 20.000 USD, sẵn sàng bứt phá
- 05-10-2022Xã thuần nông xây dựng tiêu chí 'thông minh'
- 05-10-2022Shopee lỗ gần 8.000 đồng mỗi đơn hàng
Trên thế giới cũng từng ghi nhận những sự việc khiến không ít những ngôi sao giải trí phải chịu hậu quả nặng nề, thậm chí có người đã tự sát vì bị những người phán xét online kết tội,
Cuối năm 2019, hai ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc là Sulli và Goo Hara đã chọn cách kết liễu cuộc đời sau thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm. Cả hai đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khoẻ tinh thần trước những bình luận công kích ác ý trên mạng xã hội. Sự ra đi bằng hình thức cực đoan của những người nổi tiếng đã gây chấn động mạnh và thu hút sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc đối với vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội .
Anh Jeon Min-su - cảnh sát Seoul, Hàn Quốc - cho biết: "Thông thường, những tổn thương do bạo lực thể xác đều có thể được điều trị và hồi phục. Nhưng bạo lực trực tuyến là một vấn đề lớn hơn vì nó không thể được điều trị theo cách đó và đôi khi thậm chí có thể dẫn đến tử vong".
Sau cái chết của hai ca sĩ nổi tiếng trên, các trang thông tin điện tử hàng đầu của Hàn Quốc là Naver và Daum đã đóng phần bình luận cho các tin bài thể thao và giải trí để hạn chế tình trạng bình luận ác ý. Cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng thúc đẩy các dự luật liên quan, đồng thời triển khai các chương trình giáo dục vào trường học để tránh việc những người trẻ tuổi như sinh viên, học sinh trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của bắt nạt qua mạng.
Một quốc gia Đông Bắc Á khác là Nhật Bản tháng 7 năm nay cũng đã sửa đổi luật nhằm đơn giản hóa thủ tục pháp lý để nhận diện các đối tượng bắt nạt nặc danh trên mạng. Ngoài ra, người bị kết tội xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng có thể phải ngồi tù lên đến 1 năm, phạt tiền lên tới 300.000 Yen, tương đương khoảng 50 triệu đồng.
Việc tăng nặng hình phạt đối với với hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác trên không gian mạng được coi là bước đi quan trọng của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn nạn bắt nạt trên mạng Internet.
Lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt là điều đúng đắn. Nhưng thế nào là tốt - xấu, đúng - sai thì không phải ai cũng có khả năng và chức năng nhiệm vụ đưa ra nhận định.
Việc định tội cho một cá nhân luôn phải trải qua quá trình điều tra, tố tụng nghiêm ngặt và đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền công dân, tính chính xác, nghiêm minh, công bằng. Không ai có quyền lên tiếng phán xét và tuyên án một người khi pháp luật chưa xác định họ có tội.
Ngày hôm nay ngồi gõ bàn phím phán xét người khác nhưng ai dám chắc ngày mai bạn không trở thành nạn nhân của đám đông? Một xã hội ứng xử văn minh là khi mọi thành viên đều ứng xử tôn trọng, có trách nhiệm với bản thân mình và với người khác, dù ở ngoài đời sống hay trên không gian mạng và đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.
VTV