Ngân hàng đua hợp tác với “đại gia” bán lẻ: VPBank kết hợp Thế giới di động biến 3.000 cửa hàng thành ‘cây ATM’, cặp bài trùng Techcombank – Masan tạo ra 2.000 tài khoản mới mỗi ngày
Những năm gần đây, mô hình ngân hàng bắt tay cùng các doanh nghiệp bán lẻ để tận dụng mạng lưới cửa hàng, khách hàng rộng lớn nhằm cung cấp dịch vụ tài chính nhanh, tiện hơn.
- 05-12-2024Công ty bán ô tô Ford và Hyundai top đầu Việt Nam bổ nhiệm con trai Chủ tịch làm Tổng giám đốc mới
- 05-12-2024Cổ phiếu Viettel Post giảm sàn sau khi tăng hơn 60% trong 1 tháng, 80% lệnh bán đến từ "Sói già" và "Cá mập"
- 05-12-2024DN quản lý mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam bị cưỡng chế nợ thuế hơn 140 tỷ đồng
- 05-12-2024Masan "bơm" thêm tối đa 510 tỷ đồng cho Sherpa để mua cổ phần công ty pin Lithium-ion sạc xe điện trong 6 phút
VPBank – Thế giới di động: Biến 3.000 cửa hàng thành cây ATM
Ông Đoàn Văn Hiểu Em – Thành viên HDQT Thế giới di động cho biết, từ hôm nay, hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trên toàn quốc sẽ trở thành điểm giao dịch tiện lợi, hoạt động như cây ATM. Khách hàng chỉ cần CCCD để thực hiện nạp, rút, chuyển tiền cho tất cả ngân hàng một cách nhanh chóng và đơn giản.
Theo tìm hiểu, đây là mô hình đại lý thanh toán lần đầu tiên chính thức có mặt tại Việt Nam, theo quyết định số 666/QĐ-TTGSNH2 của Ngân hàng Nhà nước, kết quả hợp tác giữa CTCP Thế Giới Di Động và Ngân hàng VPBank.
Trong đó, VPBank đóng vai trò là bên giao đại lý, cung cấp các dịch vụ tài chính trong phạm vi hoạt động đại lý thanh toán tới khách hàng. Thế Giới Di Động đảm nhiệm vai trò đại lý kết nối hệ thống với VPBank.
Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền tại các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh như tại một chi nhánh của VPBank. Điều này rất hữu ích cho các khách hàng đang sinh sống và làm việc tại những nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch, ATM hoặc CDM của ngân hàng.
Bên cạnh dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ khác như mở tài khoản thanh toán VPBank NEO, mở thẻ tín dụng online 100%.
Một trong những ưu điểm nổi bật của dịch vụ là sự linh hoạt về thời gian. Dịch vụ sẽ được triển khai từ 8h sáng đến 22h tối – khung giờ hoạt động của các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, thay vì bị cố định trong giờ hành chính. Mạng lưới 3.000 điểm bán cũng sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.
Giới phân tích đánh giá, sự kết hợp của VPBank và Thế giới di động giúp ngân hàng mở rộng độ phủ tới khách hàng, đồng thời, hạn chế được thời gian giao dịch bị bó hẹp. Với khách hàng, cơ hội tiếp cận các giải pháp tài chính cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn nhờ mô hình “cây ATM” này.
Techcombank – Masan: Khách mở thẻ tại cửa hàng tiện lợi
Trước VPBank, một nhà băng khác cũng từng kết hợp với một “đại gia” bán lẻ để tăng độ phủ của dịch vụ tới khách hàng.
Cuối năm 2022, theo báo cáo của Techcombank, ngân hàng có 300 điểm giao dịch tại 46 tỉnh, thành trên cả nước. Nếu so với hệ thống bán lẻ của WinCommerce với gần 3.500 cửa hàng trên toàn quốc thì số phòng giao dịch của Techcombank quá khiêm tốn.
Do đó, Masan Group đã bắt tay Techcombank để cung cấp các dịch vụ tài chính ngay trong mỗi điểm bán lẻ. Khách hàng có thể mở tài khoản Techcombank mới tại WinCommerce. Ngoài dịch vụ mở tài khoản, các thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi từ tài khoản Techcombank cũng nhận được một số ưu đãi giảm giá hay tích điểm.
Kết quả, sau 6 tháng triển khai, đã có 100.000 tài khoản Techcombank mở mới và 100 thẻ tín dụng được phát hành trong hai tuần thí điểm. Mục tiêu của chương trình này là nâng tổng số tài khoản mở mới lên 5.000 - 6.000/ngày - con số đáng mơ ước với nhiều ngân hàng truyền thống.
“Có khoảng 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới mỗi ngày trong hệ thống của WinCommerce”, Tổng Giám đốc Masan Group, ông Danny Le nói.
Với màn hợp tác này, Masan được lợi khi có thể có được data khách hàng, phục vụ mục tiêu cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm của từng đối tượng. Đồng thời, một cửa hàng của Masan cũng có thể cung cấp nhiều dịch vụ để thu hút khách hàng hơn, giúp họ chi tiêu nhanh chóng, thoải mái trong hệ sinh thái của mình.
Trong khi với Techcombank, dựa vào hệ thống cửa hàng rộng lớn của Masan Group, ngân hàng có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn, gia tăng số lượng tài khoản, triển khai các dịch vụ tài chính dễ dàng với chi phí thấp hơn nhiều so với mở mới một phòng giao dịch.
Nhịp sống thị trường