Ngân hàng lãi lớn có phải là điều tích cực với doanh nghiệp?
Ông Bùi Sỹ Tân, Phó TGĐ Công ty quản lý quỹ Vietcombank đã có bình luận về hiện tượng các ngân hàng lãi lớn và tác động của điều này tới các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Năm 2017-2018, lợi nhuận của các ngân hàng bước vào giai đoạn bứt phá mạnh, số lượng nhà băng gia nhập vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ ngày càng nhiều hơn. Trong đó, nhiều ngân hàng chỉ trong vài năm, quy mô lợi nhuận tăng trưởng gấp 2, gấp 3 lần.
Sang đến đầu năm 2019, các ngân hàng vẫn tiếp tục có lãi cao dù được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại do tín dụng bị thắt chặt và nguồn thu đột biến như những năm trước không còn. Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi cao nhưng phần lớn doanh nghiệp lại thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh. Vậy việc các ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn có phải là yếu tố tích cực cho nền kinh tế và phải chăng họ nên chia sẻ và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển?
Bàn về vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến "Đi tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm" do CafeF phối hợp báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức chiều 24/4, ông Bùi Sỹ Tân, Phó TGĐ Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, sự hoạt động hiệu quả của nhóm ngân hàng trong năm vừa qua là yếu tố tích cực, vì song song với đó, chất lượng tài sản và tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống được cải thiện đáng kể.
Trong đó vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng khoảng 11%, hệ số an toàn vốn (CAR) bình quân đạt 11,1% (cao hơn quy định của Việt Nam nhưng vẫn chưa đáp ứng chuẩn Basel II), tổng tài sản tổ chức tín dụng tăng 11,5%, đạt 194% GDP, đáp ứng khoảng 86% nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nợ xấu nội bảng còn 1,89% (giảm từ 1,99% cuối năm 2017), nợ xấu ngoại bảng cũng giảm đáng kể.
Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng được xếp vào nhóm ngành dịch vụ thị trường và có đóng góp lớn vào GDP. Khi hệ thống ngân hàng tốt lên cũng đồng nghĩa với khả năng tài trợ và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tốt lên rất nhiều.
"Cùng với hệ thống ngân hàng hiện nay đủ đa dạng để cạnh tranh nên chúng tôi không lo ngại việc lãi ngân hàng cao gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là khi tốc độ tăng trưởng các ngành vẫn đang đạt mức cao", ông Tân nói.
Thêm vào đó, giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho năm 2019 theo ông Tân là phù hợp với tốc độ tăng cung tiền và tốc độ phát triển kinh tế, cùng với định hướng và các quy định của NHNN về việc tăng cường chất lượng ngân hàng và áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ làm cho kết quả của ngành ngân hàng càng tích cực.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nhóm ngân hàng vẫn luôn cần phải theo dõi chặt chẽ vì theo kinh nghiệm, những khó khăn về chất lượng tài sản có thể xuất hiện 1 vài năm sau những năm tăng trưởng bứt phá, khi mà tốc độ phát triển giảm dần.