MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lớn nâng lãi suất huy động, ngân hàng nhỏ vẫn "bình chân"?

22-11-2017 - 16:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong quá khứ, đã có nhiều lần khi có một số ngân hàng trong top đầu thay đổi lãi suất theo cả hai chiều, tăng hoặc giảm, thì có thể sẽ khiến cho cả thị trường phản ứng theo sau.

Các ngân hàng nhỏ vẫn khá bình tĩnh

Vào thời điểm cuối năm, thông thường nhiều nhà băng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút lượng tiền gửi.

Cho đến thời điểm hiện tại, một số nhà băng quốc doanh đã tăng lãi suất đầu vào. Tuần trước, theo biểu lãi suất mới nhất của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng trở lên ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.

Mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của BIDV như vậy đang tương đương với của VietinBank và cao hơn hẳn mặt bằng lãi suất ở Vietcombank. Trước đó khoảng 2 tháng, Vietinbank cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động thêm khoảng 0,3%.

Trong quá khứ, đã có nhiều lần khi có một số ngân hàng trong top đầu thay đổi lãi suất theo cả hai chiều, tăng hoặc giảm, thì có thể sẽ khiến cho cả thị trường phản ứng theo sau. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, các ngân hàng nhỏ vẫn đang khá bình tĩnh trước việc tăng lãi suất tiết kiệm.

Chẳng hạn, ngân hàng Đông Á vẫn đang áp dụng biểu lãi suất huy động cá nhân từ cuối tháng 8 cho đến nay.


Biểu lãi suất huy động hiện đang được áp dụng tại ngân hàng Đông Á.

Biểu lãi suất huy động hiện đang được áp dụng tại ngân hàng Đông Á.

Trong khi đó tại NamABank, trên website của ngân hàng vẫn đang treo khung lãi suất tiền gửi dành cho cá nhân từ ngày 12/4. Tương tự, ngân hàng An Bình vẫn đang áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm VND của ngày 17/06/2017 cho đến nay.

Một số ngân hàng khác như OCB hay Eximbank, biểu lãi suất đã thay đổi trong tháng 11 tuy nhiên mức độ điều chỉnh không lớn. Điều này cho thấy, tình hình lãi suất tại các ngân hàng này vẫn rất ổn định.

Còn lại một số khác không tăng lãi suất nhưng triển khai các chương trình khuyến mại tặng quà, tuy nhiên vẫn chưa rầm rộ. Theo thông báo mới đây, khách hàng gửi tiết kiệm từ 30 triệu đồng trở lên tại ngân hàng Vietbank sẽ được nhận quà tặng như bộ bàn ăn, bộ bình rượu thủy tinh, bộ bình trà, bộ chén sứ, cặp ly thủy tinh…Việc tặng quà tương tự như này thực chất cũng là một "chiêu" để các nhà băng cạnh tranh hút khách gửi tiền.

Lãi suất sẽ ít biến động trong phần còn lại của năm thậm chí đến nửa đầu năm 2018

Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành GTCG ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.

Về lãi suất, lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Tính đến tháng 10, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,7%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,1%.

Lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có NHTM ở mức 6%. Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo các chuyên gia phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), trong phần còn lại của năm 2017, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định: tỷ giá không chịu nhiều áp lực và lạm phát trong tầm kiểm soát của Chính phủ, sẽ tạo bàn đạp hỗ trợ quá trình điều hành lãi suất. Ngoại trừ yếu tố đến từ áp lực thời vụ mang tính chất ngắn hạn, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ không chịu áp lực lớn.

Thanh khoản trên hệ thống dồi dào và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này khi nguồn ngoại tệ từ các hoạt động đầu tư gián tiếp FII sẽ trở thành yếu tố hỗ trợ tích cực đặc biệt với thông tin mới xung quanh các thương vụ thoái vốn nhà nước tại SCIC ngay trong năm 2017.

"Thậm chí, nhìn dài hơi trong năm 2018, chúng tôi cho rằng áp lực lên lãi suất trong nửa đầu năm sau sẽ chỉ mang tính chất thời vụ, ngắn hạn. Trong khi đó, với định hướng chính sách xuyên suốt của Chính phủ về ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ không chịu áp lực tăng thêm", VCBS nhận định.

Tuy nhiên để lãi suất cho vay giảm thêm sẽ cần thêm các nguồn lực trong đó đặc biệt đến từ hiệu quả và tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khai thông dòng vốn. Theo đó, VCBS duy trì dự báo mặt bằng lãi suất VND sẽ tương đối ổn định và ít biến động trong phần còn lại của năm 2017 thậm chí đến nửa đầu năm 2018.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên