Ngân hàng lớn nhất Việt Nam chốt quyền nhận cổ tức vào ngày 24/12
Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.
- 05-12-2024BIDV phê duyệt phương án trả cổ tức 21%
- 03-12-2024Ba ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán chuẩn bị trả cổ tức
- 01-12-2024Được Quốc hội chấp thuận chủ trương, Vietcombank chuẩn bị trả cổ tức gần 50%
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV – Mã: BID) vừa thông báo 24/12 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21% (cổ đông 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận 21 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành là lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành 1,197 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm tối đa gần 11.971 tỷ đồng, từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.
BIDV cho biết số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV như hoạt động tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên BIDV năm 2024 đã thông qua phương án phát hành 1,361 tỷ cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.
Trong đó, số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2022 là 1,197 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21 cổ phiếu mới), số phát thêm bằng hình thức chào bán riêng lẻ là 164 triệu cổ phiếu.
Đối với phương án chào bán riêng lẻ, BIDV cho biết đối tượng hướng đến là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV.
Giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tại Hội nghị Nhà đầu tư mới đây, BIDV cho biết đang trong quá trình chờ phê duyệt chủ trương tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước và làm việc các nhà đầu tư tiềm năng để hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ (2,9% vốn điều lệ) trong quý 1/2025. Giá trị của lần phát hành này không được tiết lộ.
BIDV hiện là ngân hàng lớn nhất Việt Nam với quy mô tổng tài sản tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt 1,95 triệu tỷ đồng và tiền gửi khách hàng ở mức 1,87 triệu tỷ đồng, cùng tăng khoảng 9,9% so với cuối năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, BIDV kết thúc quý 3 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận BIDV đạt 20.047 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Nhịp sống Thị trường