Ngân hàng nào đang "ăn nên làm ra" nhất từ dịch vụ?
Đã có 8 ngân hàng đạt lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2018.
8 ngân hàng có lãi từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ
Xét về con số tuyệt đối thì Vietcombank hiện là ngân hàng kinh doanh ổn nhất từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng qua khi có lãi tới hơn 2.600 tỷ đồng ở mảng này, tăng 34% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank chưa cải thiện được nhiều, chỉ loanh quanh mức 9%.
Giải thích cho mức tăng của thu nhập hoạt động dịch vụ, Vietcombank cho biết nhà băng có chiến lược thực hiện nâng cấp các hệ thống CNTT hỗ trợ dịch vụ, phát triển thêm một số ứng dụng mới tiện ích cho khách hàng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng giao dịch để tăng trưởng doanh thu.
Không có diễn giải chi tiết hơn từ Vietcombank, tuy nhiên nhiều khả năng vẫn là nhờ đóng góp lớn từ dịch vụ thanh toán, tiền mặt (năm 2017 Vietcombank có doanh thu cao nhất trong hệ thống ở mảng này).
Stoxplus cho rằng, hoạt động dịch vụ của Vietcombank còn được kỳ vọng sẽ bứt phá hơn nữa nhờ bancassurance khi thực tế nhà băng này dù đang có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn nhất nhưng chưa triển khai mạnh nguồn thu từ bán bảo hiểm. Nhiều nguồn tin cho biết Vietcombank đang công khai tìm kiếm đối tác bảo hiểm với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý 3/2018, Đơn vị: Tỷ đồng
BIDV và Techcombank là hai ngân hàng nữa có lãi từ dịch vụ trên 2.000 tỷ trong 9 tháng đầu năm, trong đó, BIDV cao hơn với 2.541 tỷ đồng, tăng 19%; Techcombank ghi nhận lãi 2.113 tỷ đồng, tăng 25%. Techcombank thuyết minh khá chi tiết cho hoạt động dịch vụ, theo đó, ngoài dịch vụ thanh toán, tiền mặt thì hợp tác bảo hiểm và bảo lãnh phát hành chứng khoán là những nguồn thu chính của họ.
Theo sau còn có 4 nhà băng nữa có lãi từ dịch vụ trên 1.000 tỷ là Sacombank, MBB, ACB, VPBank. Trong nhóm này, MB có tăng trưởng cao nhất với 63% đạt 1.688 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ). VietinBank chưa công bố BCTC nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ góp mặt trong nhóm này khi trong 6 tháng cũng đã có lãi gần 1.200 tỷ từ dịch vụ.
Tăng trưởng nhanh nhưng tỷ trọng chưa cải thiện nhiều
Xét về tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động, nhìn chung chưa có cải thiện nhiều. Tỷ lệ này ở các ngân hàng nhỏ vẫn chỉ khoảng từ 2-5%. Các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank vẫn dưới 10%. Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lớn và tầm trung như Sacombank, Techcombank, MB, ACB, VIB, TPBank có tỷ trọng cao nhất - trên 12%.
Techcombank và Sacombank đang là 2 ngân hàng có tỷ trọng thu nhập dịch vụ cao nhất thị trường khi lần lượt đạt 16% và 22%. Đây đều là hai ngân hàng có thương vụ hợp tác lớn với bảo hiểm cuối năm 2017, theo đó, tỷ trọng của dịch vụ tại Sacombank năm ngoái còn lên tới 40% và tại Techcombank là 28%. Không còn nguồn thu đột biến ghi nhận một lần như năm ngoái nhưng dịch vụ kinh doanh bảo hiểm vẫn đang mang đến nguồn thu nhập khá ổn định cho hai ngân hàng.
Những ngân hàng có tốc độ cải thiện tỷ trọng này mạnh mẽ nhất trong năm nay phải kể đến VIB, TPBank, HDBank.
Tại TPBank, tỷ trọng của dịch vụ chỉ ở mức 5,1% cùng kỳ năm ngoái đã tăng vọt lên 10,9% trong 9 tháng đầu năm nay. Sự tăng trưởng đột biến này cũng góp phần giúp lợi nhuận nhà băng tăng cao dù bị hạn chế tăng trưởng tín dụng trong quý 3 do đã chạm trần NHNN giao. Tỷ trọng này tại HDBank tăng từ 1,9% năm ngoái lên đến 5% trong năm nay, tại VIB tăng từ 8,7% lên 12,2%. Điểm chung ở cả 3 ngân hàng này là nhờ khoản thu đột biến từ hoa hồng bảo hiểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãi từ dịch vụ thanh toán cũng rất ấn tượng, như tại TPBank tăng gấp 2,5 lần; tại VIB tăng 74%.
Thống kê từ 20 ngân hàng đã công bố BCTC, 16/20 ngân hàng đều có lãi từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2018 cao hơn so với cùng kỳ. 4 ngân hàng còn lại là VPBank, ABBank, BacABank và VietBank cũng chỉ giảm nhẹ. VPBank giảm 3%, nhưng vẫn có lãi hơn 1.004 tỷ. ABBank chỉ giảm 2 tỷ xuống 128 tỷ đồng, BacABank giảm 3 tỷ xuống 37 tỷ, VietBank giảm 2 tỷ.
Nhiều ngân hàng dù các mảng kinh doanh đi xuống nhưng riêng dịch vụ vẫn tăng đều đều. Chẳng hạn, tại LienVietPostBank, trong quý 3 thu nhập lãi thuần sụt giảm 7%, hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 21 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh khác bị lỗ 57 tỷ đồng thì dịch vụ là điểm sáng khi tăng 76% so với cùng kỳ đạt lãi 42 tỷ, nâng mức lãi từ dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2018 lên 83 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Có thể thấy, hoạt động dịch vụ có lãi khá ổn định, nếu giảm cũng giảm ít, không lên xuống thất thường như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán,…nên chiến lược tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng vẫn là được tập trung cho hoạt động dịch vụ. Trong bối cảnh cách mạng 4.0, thanh toán không tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ, các nhà băng cũng ngày càng đua nhau phát triển và nâng cao các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ hiện đại như internetbanking, ngân hàng số, livebank,...
Trí Thức Trẻ