MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất?

05-08-2021 - 10:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất?

Tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát tốt chi phí, mỗi đồng chi phí tạo được doanh thu lớn hơn đang ngày càng trở thành một chỉ báo hiệu quả của các ngân hàng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, dù cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn đang trải qua rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn có sự tăng trưởng so với năm trước, thậm chí có nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bằng lần.

Có được điều này là nhờ sự linh hoạt chuyển dịch qua hoạt động tín dụng bán lẻ, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, phân phối bảo hiểm, chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối, thu hồi được nợ xấu và hoàn nhập dự phòng…

Bên cạnh đó, việc kiểm soát, tiết giảm và sử dụng hiệu quả chi phí cũng đóng một vai trò quan trọng trong kết quả chung đạt được trong 6 tháng qua. Hay nói cách khác, tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát tốt chi phí, giúp kiểm soát chi phí trên thu nhập (CIR) tốt trở thành một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Khảo sát của BizLIVE tại 24 ngân hàng cho thấy, có tới 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ chi phí/thu nhập giảm so với năm trước. CIR trung bình của nhóm khảo sát giảm mạnh xuống còn 40,96%, từ mức 47,51% cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, có tới 7/24 ngân hàng sở hữu CIR dưới 30%.

CIR giảm có tác động từ hai chiều: chiều tiết giảm chi phí hoạt động và chiều doanh thu tăng trưởng cao hơn; hoặc ngân hàng vẫn gia tăng đầu tư với chi phí hoạt động tăng lên nhưng hiệu quả tạo doanh thu đạt được lớn hơn.

VPBANK DẪN ĐẦU, BIDV TẠO HIỆN TƯỢNG

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của VPBank cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt gần 23,1 nghìn tỷ đồng, tăng tới 22,5% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất trong 6 tháng đầu năm được tiết giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, xuống 5.408 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc tối ưu hóa chi phí và ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành.

Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất của ngân hàng chỉ ở mức 23,4%, giảm mạnh so với mức 31% cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, VPBank đang là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất trong hệ thống.

Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất? - Ảnh 1.

Một trường hợp khác, tại BIDV, kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 42,9% so với cùng kỳ, đạt gần 31,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 9% so với cùng kỳ giúp CIR được rút ngắn xuống còn 25,63%, giảm khá mạnh so với mức 33,58% cùng kỳ năm trước.

Đây là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế quý 2 của ngân hàng tăng trưởng tới 85,8% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng trưởng lợi nhuận theo quý cao nhất mà ngân hàng này đạt được kể từ quý 3/2013. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng tới 86%.

Sát ngay sau BIDV là OCB với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 28,1%, giảm so với mức 29,6% cùng kỳ năm trước. OCB cho biết, việc tăng cường đầu tư công nghệ đã giúp ngân hàng tối ưu hóa năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, chi phí hoạt động của OCB trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 12,7% trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Một loạt các ngân hàng khác cũng sở hữu CIR ở mức dưới 30% bao gồm Techcombank (28,41%), VietinBank (28,51%), SHB (28,57%), ACB (29,89%).

Trong số 24 ngân hàng trong nhóm khảo sát, KienLongBank là ngân hàng có sự cải thiện CIR ấn tượng nhất khi ngân hàng này đã thành công đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ mức cao 74,26% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 40,14% trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương với mức giảm tới 34,12 điểm %. Nguyên nhân là nhờ tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng gấp đôi trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 10,9%.

Tương tự, tại ACB, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 40,4% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động được tiết giảm tới 14% giúp CIR 6 tháng đầu năm giảm tới 18,8 điểm % so với cùng kỳ. Tại MSB, CIR cũng giảm tới 18,1 điểm %, LienVietPostBank giảm 17,63 điểm %, SeABank giảm 13,84 điểm%,…

Ở chiều ngược lại, SCB bất ngờ ghi nhận CIR tăng vọt trong kỳ, từ mức 44,76% 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 90,4% trong 6 tháng đầu năm nay. Đây cũng là ngân hàng sở hữu CIR cao nhất nhóm khảo sát.

Nguyên nhân chính là do tổng thu nhập hoạt động giảm mạnh 42% so với cùng kỳ khi mảng tín dụng bất ngờ lỗ tới hơn 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động vẫn tăng 17,5% khiến CIR tăng mạnh, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro theo đó sụt giảm tới gần 90%, còn vỏn vẹn 232 tỷ đồng.

XU HƯỚNG ĐANG KHẲNG ĐỊNH?

Về cơ bản, một tỷ lệ CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Một chi tiết khác, là việc giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương trong 6 tháng đầu năm nay cũng khiến nhiều hoạt động truyền thống và trực tiếp của ngân hàng suy giảm, thay vào đó, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ giúp thay thế một phần con người cũng giúp ngân hàng cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc CIR của ngân hàng ở mức cao đôi khi không hẳn mang tính tiêu cực, như trong trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư thì sẽ khiến CIR gia tăng, còn nhìn về dài hạn, việc đầu tư này sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành, từ đó kéo CIR xuống thấp trong tương lai.

Bên cạnh đó, cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí hoạt động chính là quỹ lương. Theo giới phân tích, ngân hàng sở hữu một quỹ lương thưởng lớn không hẳn là một điều không tốt khi nó có thể có tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của nhân viên.

CIR tại mỗi kỳ công bố trong năm thường chỉ phản ánh tính thời điểm và tham khảo tương đối. Nó có thể biến động qua các kỳ gắn với hoạt động đầu tư, chi trả lương thưởng, ghi nhận các khoản chi phí... Theo đó, CIR bình quân năm thường được lựa chọn trong các so sánh.

Dù vậy, qua những năm gần đây, một xu hướng thể hiện rõ là CIR của nhiều NHTM Việt Nam liên tục giảm, phản ánh hướng hiệu quả hơn trong tối ưu hóa vận hành với giá trị của chuyển đổi số, chất lượng nhân sự nâng cao và giảm thiểu các chi phí đầu tư theo mô hình ngân hàng truyền thống như trước đây (nhất là về hạ tầng mạng lưới chi nhánh mới).

Theo Trần Thuý

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên