MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào sẽ đạt lợi nhuận cao, duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2023?

29-04-2023 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nào sẽ đạt lợi nhuận cao, duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2023?

Kết quả kinh doanh quý I cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng. Những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ lớn được dự báo sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành trong năm 2023.

Thận trọng trong mục tiêu lợi nhuận

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023 trước những áp lực đối với biên lãi ròng và chất lượng tài sản do mặt bằng lãi suất tăng và thị trường vốn, bất động sản thắt chặt hơn.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra con số lợi nhuận mục tiêu khá thận trọng. Trong đó, ba ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 - 15%. Các ngân hàng tư nhân như ACB, VIB, MB, VPBank và SHB đều hạ mục tiêu tăng trưởng xuống khoảng 10 – 17%.

Tại chương trình “Mùa đại hội tìm cơ hội” do công ty chứng khoán MBS tổ chức ngày 31/03, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS đánh giá, các ngân hàng đang đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm trước. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cũng được các ngân hàng thiết lập thận trọng hơn.

“Năm nay chúng ta sẽ không thấy ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30-40%. Chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đã là rất kinh khủng”, ông Tuấn đánh giá.

Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh quý I

Kết quả kinh doanh quý I đã chứng kiến không ít ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó có cả những ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao trong các năm trước như Techcombank (-17%), LienVietPostBank (-13%) và VPBank (lợi nhuận riêng lẻ giảm hơn 60% do năm 2022 ghi nhận khoản thu đột biến từ hoạt động bảo hiểm).

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn tiếp tục tục duy trì được đà tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh giữ vững ở mức cao.

Theo đó, Vietcombank giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với mức lãi trước thuế hợp nhất quý I/2023 đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 26% kế hoạch năm 2023. ACB và SHB cũng lần lượt tăng trưởng 24% và 12% so với cùng kỳ, đạt lợi nhuận 5.120 tỷ đồng và 3.600 tỷ đồng

VIB tiếp tục thể hiện phong độ tốt trong quý I/2023 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Với mức lãi này, ROE của ngân hàng ở mức 30%, tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng.

Trong quý I, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19%. Ngân hàng có biên lãi ròng (NIM) hiệu quả cao ở mức 4,6% trong bối cảnh cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có nhiều biến động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống đáng kể, chỉ còn 32% trong quý I/2023 so với 35% cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.360 tỷ đồng, tăng 26% so với quý I/2022.

Theo giới phân tích, VIB vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ sở hữu tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất thị trường với 90% đồng thời là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ ở nhóm thấp nhất ngành, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ.

Trong báo cáo phân tích, đánh giá độc lập phát hành đầu năm 2023, Moody’s và các công ty chứng khoán hàng đầu trong nước như SSI, VCBS đánh giá VIB là ngân hàng có bảng cân đối tài sản an toàn và vững mạnh. Trong đó, tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay đầu tư bất động sản trên Vốn chủ sở hữu ở nhóm thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam.

Các ngân hàng bán lẻ có lợi thế trong năm 2023

Bên cạnh xu hướng tăng trưởng chậm lại, triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng được dự báo có sự phân hóa, trong đó các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao và chất lượng tài sản tốt vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành.

“Do bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung; vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023”, Chứng khoán MiraeAsset nhận định.

Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên trong năm 2023 và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này.

“Những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong danh sách theo dõi. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm 2022”, VnDirect cho hay.

Trên thực tế, bán lẻ trở thành mũi nhọn chiến lược của nhiều ngân hàng trong những năm qua, một số ngân hàng đạt được tỷ lệ bán lẻ ở mức 50-60%, riêng VIB là trường hợp duy nhất đạt tỷ lệ bán lẻ lên tới 90% tổng danh mục cho vay.

Tuy cùng xác định chiến lược ngân hàng bán lẻ, nhưng một số nhà băng sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và sớm chiếm được lợi thế trên thị trường nhờ tiên phong làm ra sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng số hóa cao và đi sâu đáp ứng nhu cầu khách hàng ở đa dạng độ tuổi. Sản phẩm sẽ có mức độ cá nhân hóa cao hơn, thông minh hơn mà theo đó, mỗi một khách hàng đều sẽ có cảm giác được ngân hàng phục vụ riêng biệt.

Kim Ngân

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên