Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ngay sau Tết, cơ quan chuyên trách lo lạm phát
Khác với hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng khai Xuân năm nay…
- 28-01-2022Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ngày thứ 4 liên tiếp, thêm gần 1.000 tỷ đồng
- 04-01-2022Chủ tịch nước: "Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng"
- 27-12-2021NHNN và KBNN luân phiên bơm tiền cho hệ thống ngân hàng: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì?
Ngày 07/02, thị trường khai xuân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn neo cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bơm ròng hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống.
Cụ thể, phiên 07/02, NHNN tiếp tục bơm thêm 1.508,41 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm. Trước đó, mùa cao điểm đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán, cơ quan này đã bơm ròng 21.455,09 tỷ đồng.
Diễn biến trên là khác biệt so với hai năm trước. Năm 2021, hệ thống ngân hàng khai xuân mà không cần nhà điều hành bơm tiền hỗ trợ. Năm 2020 thậm chí NHNN còn lập tức hút bớt về 4.999,7 tỷ đồng phiên khai xuân và liên tiếp sau đó… Nguyên do, cuối năm liền trước đã có nguồn tiền cung ứng lớn từ mua ngoại tệ.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm khai xuân vẫn giữ ở mức cao, gần với mức quanh 2,2%/năm trước Tết.
Đón Tết năm nay, các dòng chảy của nền kinh tế đã sôi động hơn, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng và du lịch, vận tải… Nguồn tiền mặt đi ra ngoài hệ thống ngân hàng cũng cần độ trễ để dần trở lại. Nếu như “thường lệ” nhiều năm qua, chỉ vài tuần Tết dòng tiền nhanh chóng trở lại và lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt.
Dự báo vừa công bố của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cũng có điểm chung về triển vọng hạ nhiệt đó.
Cụ thể, các thành viên VIRA (gồm khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) đều dự báo lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng sẽ bình ổn trong tháng này, về bình quân khoảng 1,8%/năm sau khi đã chạm mốc 2,5%/năm dịp cận Tết và dù hiện vẫn gần 2,4%/năm.
Trong khi đó tỷ giá USD/VND được dự báo tiếp tục ổn định. Thực tế dự báo của VIRA cũng đã sát thực ở hướng bình ổn này trong tháng liền trước, dù tỷ giá ngay trước đó có đợt biến động tăng rất mạnh cuối tháng 11 và trong tháng 12/2021. Giá USD giao ngay trên liên ngân hàng dự báo bình quân tháng 02 này chỉ 22.683 VND.
Như BizLIVE đề cập vừa qua, NHNN cũng vừa có lần điều chỉnh cặp tỷ giá này : hạ cả giá mua và giá bán ra USD, như một hướng chủ động góp phần giảm thiểu áp lực lạm phát trong tương lai…
Dự báo của VIRA về CPI, lãi suất và tỷ giá liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tháng 02/2022
Lạm phát cũng chính là điểm được quan tâm hàng đầu năm nay. Sức nóng từ hàng loạt giá cả nguyên vật liệu trên thị trường thế giới đã thể hiện rõ trong năm 2021; lạm phát tại Mỹ, châu Âu… cũng đều lập kỷ lục hàng chục năm qua.
Với Việt Nam, cơ quan chuyên trách cũng vừa có những tính toán lo xa.
Cụ thể, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính vừa đề xuất nhóm 7 giải pháp để kiểm soát giá cả trong năm 2022.
Theo cơ quan chuyên trách này, trong năm nay mặt bằng giá sẽ chịu áp lực của giá gas hay giá xăng dầu, hiện đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/02/2022, giá xăng dầu sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới, từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, theo Cục Quản lý giá, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt…
Như quan ngại trên, ngay trước mắt là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/02 tới. Áp lực mà Cục Quản lý giá đề cập có ở giá dầu đã vượt mốc 90 USD/thùng trong kỳ nghỉ Tết vừa qua.
Đây dự kiến cũng là một tác động chính yếu đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này, bên cạnh yếu tố tiêu dùng và giá cả dịp lễ tết đầu năm mới.
Một số thành viên của VIRA trong dự báo nói trên cũng quan ngại, khi dự tính CPI tháng này so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng mạnh trên 2%, thậm chỉ trên 2,5%. Song bình quân dự báo của các thành viên VIRA chỉ ở 1,68%.
Còn xa hơn, trở lại với phân tích của Cục Quản lý giá, áp lực đối với lạm phát năm nay còn có ở một thực tế quan trọng khác: áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua và các tác động tiêu cực từ dịch bệnh sẽ khiến nguy cơ lạm phát tăng cao.
BizLive