Còn nửa tháng nữa hết năm, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét tiếp tục nới room tín dụng cho một số ngân hàng?
Một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới Quý 4/2021 do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét. VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021.
- 15-12-2021Ngân hàng bơm hàng nghìn tỷ tín dụng: Tiền có vào sản xuất như kỳ vọng?
- 15-12-2021Sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn trong ngành ngân hàng
- 14-12-2021Tốc độ giải ngân tăng mạnh, 61.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế chỉ trong 1 tuần
Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán VCBS nhận định, nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 13% cho cả năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng được dự báo duy trì ở mức cao trong dài hạn do Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Tăng trưởng nền kinh tế nói chung và xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng 2 lần vào Quý 3 và Quý 4. Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được NHNN nới room 2 lần trong năm 2021. Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới Quý 4/2021 do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét. VCBS kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021.
Tại đợt nới room gần đây nhất, TPBank và Techcombank là 2 ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lần lượt 23,4% và 22,1%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng được nới mạnh room, trong đó MSB được giao hạn mức 22%, MB 21%, LPB 18,1%, VPB 17,1%, OCB 15%, VCB 15%,…
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí). VCBS cho rằng các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Nhóm ngân hàng tư nhân có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào, cách tiếp cận thị trường năng động, nắm nhiều data và tuân thủ theo các chuẩn quản trị rủi ro quốc tế được cấp room tín dụng cao hơn và có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trột so với mức trung bình toàn hệ thống.
Thị phần của nhóm ngân hàng tư nhân dần lấn lướt ngân hàng quốc doanh
Trong 5 năm qua, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý 3/2021. Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian.
Tín dụng bán lẻ đang là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý 3/2021.
Với đặc điểm nền kinh tế khối doanh nghiệp FDI đóng góp một phần lớn trong GDP cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm thu nhập cao tăng lên giúp tài sản gia tăng và thúc đẩy nhu cầu vay nợ tiêu dùng.
Tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp SME cũng được các ngân hàng ưu tiên hơn khi hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay doanh nghiệp lớn theo Thông tư 41. Cụ thể, tín dụng cá nhân đảm bảo bằng bất động sản có hệ số rủi ro xác định theo tỷ lệ bảo đảm và thường nhỏ hơn 80%, tín dụng cá nhân có TSBĐ không phải BĐS có hệ số rủi ro 0,75% và tín dụng SME có hệ số rủi ro 0,9%.
Các doanh nghiệp lớn thuộc ngành nghề có hệ số rủi ro cao như doanh nghiệp BĐS không được ưa thích cấp tín dụng và đã chuyển một phần nhu cầu huy động vốn qua hình thức TPDN.
2 sản phẩm bán lẻ có quy mô dư nợ lớn hiện tại là Cho vay mua nhà và Cho vay mua ô tô và quy mô 2 sản phẩm này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh hàng năm.
Năm 2020 và 2021 chứng kiến sự nóng lên của các thị trường tài sản như BĐS, chứng khoán và là đây một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao.