Ngân hàng Nhà nước nói gì về huy động vàng trong dân?
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang chọn giải pháp huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực này thành tiền, làm giảm sức hấp dẫn của vàng miếng...
- 20-12-2017Giải pháp nào cho huy động vàng
- 16-11-2017Đại biểu chất vấn Thống đốc: Làm sao huy động vàng và tiền trong dân?
- 30-08-2017Yêu cầu NHNN sớm báo cáo cơ chế huy động vàng, ngoại tệ trong dân
Trong báo cáo gửi Quốc hội về trả lời chất vấn của cử tri, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những giải thích về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân. Trước đó, một số cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị NHNN cần có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực dự trữ trong dân như vàng, ngoại tệ.
Theo một số thống kê, hiện có khoảng 500 tấn vàng trong dân do tập quán, thói quen của người Việt Nam xem vàng là tài sản để dành và tích trữ. Nhiều ý kiến cho rằng hàng trăm tấn vàng tương đương nhiều tỉ USD của người dân đang nằm bất động là một sự lãng phí lớn... Do đó, cần có giải pháp huy động nguồn lực này vào sản xuất - kinh doanh. Chính phủ cũng nhiều lần giao NHNN nghiên cứu sớm có giải pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời cử tri, NHNN cho biết trong giai đoạn từ năm 2001 - 2008, các NH thương mại được huy động, cho vay vốn bằng vàng. Trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế. Nhưng giai đoạn 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo, gây rủi ro lớn cho cả NH thương mại và người đi vay.
Hiện người dân gửi vàng vào NH thương mại phải tốn phí. Ảnh: NLĐ
"Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này" - lãnh đạo NHNN nói.
Do đó, từ năm 2011-2013, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Các NH thương mại không được phép huy động vàng, chỉ được giữ hộ vàng và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ.
NHNN đánh giá việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng đã giúp nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi tiền gửi bằng VNĐ trong hệ thống gia tăng.
Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013. Các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.
Thị trường không xuất hiện các "cơn sốt" vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỉ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VNĐ từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hằng năm quanh mức 16%-20%.
Theo NHNN, nguồn lực vàng trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng...
NHNN cũng cho rằng việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài. Các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.
Hiện NHNN đã, đang nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020".
Cuối năm ngoái, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về đề án. Trong đó, cơ quan này cho rằng bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị VNĐ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Người lao động