Ngân hàng Nhà nước và niềm hy vọng về vai trò “hải đăng”
Một nhóm những người trong cuộc đang nhìn về cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước...
- 22-07-2016Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay
- 08-07-2016Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ
- 08-07-2016Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp mạnh hơn tại Eximbank
Tuần qua, Câu lạc bộ Nghiên cứu thị trường tài chính - tiền tệ tổ chức cuộc họp lần hai, với một nội dung trọng tâm là quan sát, bình luận về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong tương lai.
Trông người, ngẫm ta. Bên lề cuộc họp, hình ảnh ngọn hải đăng chiếu ánh sáng về phía biển cả mà Ngân hàng Trung ương Indonesia chọn làm biểu tượng, cùng khẩu hiệu “Vững chắc, độc lập và đáng tin cậy”, được các thành viên Câu lạc bộ dẫn chiếu cho kỳ vọng về việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dẫn dắt kỳ vọng thị trường
Câu lạc bộ trên tập hợp gần 40 thành viên, đến từ khối nghiên cứu, phân tích của các ngân hàng thương mại như Maritime Bank, BIDV, Vietcombank, Techcombank, MB, SCB, NCB…
Có ba mục tiêu hoạt động chính của Câu lạc bộ, gồm: trao đổi, chia sẻ, phản biện các nhận định, dự báo, cảnh báo về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ; tư vấn, phản biện, phản hồi chính sách về Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý liên quan khác; hợp tác, cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ phận nghiên cứu, phân tích thị trường của các ngân hàng, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong cuộc họp vừa qua, nhìn về hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là mối quan tâm của các thành viên - những người đang trong cuộc của ngành ngân hàng, cũng như đang bám sát những diễn biến của thị trường tài chính - tiền tệ.
Điểm chung, họ cùng chờ đợi Ngân hàng Nhà nước thể hiện được vai trò như một ngọn hải đăng mà Ngân hàng Trung ương Indonesia chọn làm biểu tượng nói trên. Cụ thể hơn, chờ đợi đó như một “đơn đặt hàng” đối với việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước - phải dẫn dắt được kỳ vọng của thị trường.
Tại cuộc họp trên, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đặt vấn đề: “Tầm nhìn của Chính phủ là hướng tới kiến tạo và phục vụ. Dịch ra cho ngành ngân hàng, tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường. Điều này bao hàm hai khía cạnh: Ngân hàng Nhà nước cần dõi theo mọi tín hiệu, chỉ báo hay thông tin phản hồi chính sách của thị trường; đồng thời cần tác động ảnh hưởng tới sự định hình kỳ vọng của thị trường cũng như dẫn dắt nó một cách hợp lý nhất”.
Cũng theo ông Quang Anh, định hướng trên thực sự mang tầm chiến lược, khi mà thể chế kinh tế thị trường hiện đại Việt Nam với ba trụ cột là nền kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đang dần được hình thành, và xu thế xóa bỏ chế độ cơ quan chủ quản là không thể đảo ngược, bất chấp có rất nhiều sự níu kéo.
Hạn chế những cú sốc
Góc nhìn chung tại cuộc họp trên, các thành viên trên thị trường thường hành động, ứng xử theo kỳ vọng. Theo đó, việc dẫn dắt kỳ vọng cho đúng, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhà điều hành chính sách. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần có đủ quyền lực, nguồn lực và uy tín để thực thi sứ mệnh của mình.
Điển hình như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đánh giá tại cuộc họp của Câu lạc bộ, FED đang sử dụng rất có hiệu lực, hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ mới này, đơn cử như trong việc định hình cho công chúng và các nhà đầu tư kỳ vọng hợp lý về lãi suất đồng đô la Mỹ trong tương lai một cách công khai, minh bạch.
Nhờ được dẫn dắt kỳ vọng đúng, các tác nhân liên quan chủ động hơn trong tính toán và hành xử hợp lý với các kế hoạch đầu tư, kinh doanh hay tiêu dùng của mình. Thị trường và nền kinh tế theo đó diễn biến thuận lợi, suôn sẻ hơn, đặc biệt là tránh được hoặc hạn chế các cú sốc tiêu cực không đáng có nếu bị mất phương hướng.
Một điển hình cho thành công của hướng đi - yêu cầu này, khi tạo được kỳ vọng hợp lý và dẫn dắt được kỳ vọng của thị trường, nhà điều hành đã chủ động hơn rất nhiều, đã đạt được mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá và ổn định thị trường ngoại hối trong những năm gần đây, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Hay trước những cú sốc bên ngoài vẫn thường xẩy ra, như sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), được gọi là sự kiện Brexit, diễn ra mới đây, cũng là một phép thử cho hướng điều hành chủ động hơn của Ngân hàng Nhà nước.
Rộng hơn, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách thể chế. Công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang dần đi theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Và trong bối cảnh hoạt động mới có nhiều yếu tố bất định hơn, thách thức lớn hơn, đòi hỏi việc điều hành chính sách tiền tệ phải nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa, bám sát hơn diễn biến thị trường để chủ động dẫn dắt kỳ vọng thị trường.
Ngoài sự bám sát, chủ động về công cụ và nguồn lực đó, để làm được “ngọn hải đăng” như các thành viên trên thị trường mong đợi, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ BIDV, chính Ngân hàng Nhà nước cần đi đầu trong công tác phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ.
“Hoạt động tiền tệ - ngân hàng đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi công tác nghiên cứu, phân tích cần được chú trọng hơn, được đầu tư nguồn lực thỏa đáng hơn tại các ngân hàng thương mại để phát triển, đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh hoạt động mới. Ngân hàng Nhà nước cũng đứng trước đòi hỏi tương tự. Với vai trò vừa là nhà kiến tạo thị trường, giám sát, quản lý, điều hành thị trường, vừa là một đối tác quan trọng (người mua/bán, vay/mượn sau cùng) của các tác nhân trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước cần đi đầu trong công tác phân tích dự báo, phải chủ động dẫn dắt được kỳ vọng của thị trường”, ông Quỳnh nói.
Sau cuộc họp tuần qua, dự kiến tháng 11 tới, Câu lạc bộ Nghiên cứu thị trường tài chính-tiền tệ sẽ cùng ngồi lại để có những tham luận, đánh giá và phản biện cụ thể hơn về những tín hiệu phát đi từ “ngọn hải đăng” Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
VnEconomy