MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng phá thế “độc canh” tín dụng

17-05-2022 - 22:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Đa dạng hoá nguồn thu là một trong những mục tiêu được nhiều ngân hàng tập trung đẩy mạnh thời gian qua.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
294 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
  • Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...

Đa dạng nguồn thu

Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý I/2022 của nhiều ngân hàng công bố gần đây cho thấy, bên cạnh tín dụng tăng nhanh trở lại thì thu từ dịch vụ là nguyên nhân làm nên kết quả kinh doanh khá khả quan của các ngân hàng trong quý đầu năm 2022.

Đơn cử như Vietcombank, trong quý đầu năm ngân hàng này thu gần 2.587 tỷ đồng lãi thuần từ dịch vụ và 1.521 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối. Với Techcombank và Sacombank, thu từ dịch vụ cũng đạt lần lượt là 1.793 tỷ đồng và 1.536 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% và 83% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng phá thế “độc canh” tín dụng - Ảnh 1.

Thu từ dịch vụ của các TCTD ngày càng tăng

Một loạt các NHTMCP khác như VPBank, HDBank, MB, ACB, VIB, MSB, SHB… cũng đều gặt hái được nhiều kết quả khả quan từ hoạt động dịch vụ. Chẳng hạn như MB, trong quý đầu năm lãi từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này tăng 4,8% lên 1.117 tỷ đồng, trong đó thu từ dịch vụ bảo hiểm có đóng góp lớn vào hoạt động dịch vụ của ngân hàng này; lãi kinh doanh ngoại hối tăng 98% lên 467 tỷ đồng.

Trong khi MSB lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng đạt hơn 335 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng gần 175% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tới từ thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm, hoạt động thanh toán. Hay MSB, thu lãi từ dịch vụ cũng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 157 tỷ đồng; đặc biệt hoạt động kinh doanh khác lãi 209 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ… VIB có thu nhập ngoài lãi đạt 650 tỷ đồng, đóng góp vào 16% tổng thu nhập hoạt động…

Trong hoạt động dịch vụ của các nhà băng, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chiếm một tỷ trọng khá lớn và hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng ghi nhận thêm nguồn phí trả trước lớn. Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho hay, ngân hàng này đang tiến hành đàm phán với các đối tác do trong tháng 5/2022 về hợp đồng hợp tác bảo hiểm giữa LienVietPostBank và Dai-iChi Life kết thúc. Trước đó, thu từ bancassurance trên thực tế đã đóng góp một phần đáng kể trong cơ cấu doanh thu dịch vụ của nhiều ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, đa dạng hoá nguồn thu cũng là một trong những mục tiêu được nhiều ngân hàng tập trung đẩy mạnh thời gian qua. Đặc biệt trải qua hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành, nguồn thu truyền thống từ tín dụng tăng trưởng thấp, trong khi rủi ro từ hoạt động nay lại có xu hướng gia tăng buộc các ngân hàng phải dành ra một phần không nhỏ nguồn lực để dự phòng rủi ro.

"Tăng thu từ dịch vụ giúp đảm bảo ngân hàng sống khoẻ hơn, bền vững hơn, hạn chế được rủi ro, dần hiện thực hoá định hướng trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Đây cũng là cơ sở tạo nền tảng cho các ngân hàng hiện thực hoá những kế hoạch, mục tiêu đặt ra trong năm 2022", chuyên gia này chia sẻ.

Tuy nhiên không thể phủ nhận tín dụng vẫn mang lại nguồn thu lớn nhất cho các nhà băng. Trong đó nhà băng nào có tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn (CASA) lớn sẽ có nhiều lợi thế. Bởi vậy thời gian qua các ngân hàng đều đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hút nguồn tiền này. Đơn cử như VIB tỷ lệ CASA ngân hàng này tăng trưởng hơn 40%...

Nhiều tổ chức tài chính dự báo kinh doanh ngân hàng tăng trưởng tích cực trong năm nay nhưng sẽ có mức độ phân hoá. Lợi thế tăng trưởng thuộc về nhóm ngân hàng tiếp tục hạ được chi phí vốn.

Thận trọng với nợ xấu

Kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2022 có những điểm sáng, phản ánh phần nào đà phục hồi của nền kinh tế. Song giới chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, thách thức đối với hệ thống ngân hàng ở những tháng cuối cùng của năm 2022 vẫn là rất lớn và một trong những vấn đề ngân hàng cần lưu ý là nợ xấu.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng công bố cho thấy, tới cuối tháng 3/2022, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này ở mức gần 109,7 tỷ đồng - tăng 10,6% so với đầu năm 2022. Nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 4 với mức tăng tới 2,4 lần, nợ nhóm 5 tăng 38%. Tỷ lệ nợ xấu lên 2,17%/cho vay khách hàng, so với mức 1,32% đầu năm.

Báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng của Công ty chứng khoán Mirae Asset vừa được công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, dư nợ khoản vay tái cơ cấu đã đạt đến đỉnh điểm và nợ xấu mới hình thành có thể không tăng nhiều, song nợ xấu trên sổ sách thì sẽ tăng do việc ghi nhận nợ xấu từ khoản cho vay tái cơ cấu khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Theo công ty này, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải tăng dự phòng trong thời gian tới. Và ngược lại, với những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ không gặp áp lực dự phòng quá lớn.

Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia tài chính để giúp các ngân hàng có nguồn lực xử lý nợ xấu. Bản thân các ngân hàng cũng thấu hiểu rõ điều này nên rất tích cực trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian qua.

Theo đó ACB đã dành hơn 3.300 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021, con số này gấp 3,5 lần so với năm trước. LienVietPostBank cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 1.322 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2020. Hay MSB trích lập dự phòng 1.567 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 46% so với năm trước đó...

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ghi nhận, tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 NHTM niêm yết và Agribank đã tăng lên mức 150% vào cuối năm 2021, đây được xem là mức khá cao từ trước tới nay.

Tuy nhiên TS. Lực nhấn mạnh không thể chủ quan và lơ là với câu chuyện này, bởi nợ xấu vẫn là tâm điểm của thị trường tài chính trong năm nay, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nợ xấu nội bảng dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ có thể rơi vào khoảng 6% trong năm 2022, thậm chí cao hơn.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, năm 2022 là một năm rất thách thức với ngành Ngân hàng. Trong đó tập trung vào việc kiểm soát xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo, chi phối trong các TCTD liên quan, cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động TCTD, nhất là với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản…

Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đến ngày 31/12/2023. Đây là tín hiệu tích cực cho việc tiếp tục duy trì cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên