Ngân hàng sắp cạn room tín dụng: Doanh nghiệp khó vay vốn
Nền kinh tế phục hồi tốt, khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp (DN) tăng giúp tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay vượt định mức, nhưng có một thực tế nhiều ngân hàng phải đối mặt đó là sắp cạn room tín dụng. Điều này khiến DN gặp nhiều khó khăn khi vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
- 17-08-2022Cạn room tín dụng, lợi nhuận ngân hàng khó kéo dài đến cuối năm
- 16-08-2022VNDirect: Lạm phát có thể kiểm soát dưới 4%, kỳ vọng NHNN nâng trần tín dụng từ cuối quý 3
- 16-08-2022Lãi suất liên ngân hàng lao dốc, Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút tiền về
Ông Nguyễn Hữu Quảng - giám đốc một DN chuyên sản xuất chế biến đá vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2022, hoạt động xây dựng nhộn nhịp, nhu cầu đá vật liệu xây dựng tăng cao. Công ty ông Quảng dự định vay thêm vốn để mua máy móc, thiết bị tăng thêm một dây chuyền sản xuất nhưng gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn.
“Do không đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo nên chúng tôi chưa vay được vốn ngân hàng. Bước sang năm nay, nhu cầu vay vốn của DN tăng trở lại nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh nên ngân hàng có nguồn khách hàng dồi dào để lựa chọn và cũng 'kén' DN cho vay hơn trước kia”, ông Quảng cho biết.
Chính sách liên tục thay đổi cũng là rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn. Bà Nguyễn Thị Vinh Hạnh, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Văn, Tân Ước (đại diện 43 chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội) cho biết, việc thay đổi chính sách chuyển tiền thuê đất từ 1 lần sang hằng năm đang khiến DN không vay được vốn ngân hàng.
“Do không đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo nên chúng tôi chưa vay được vốn ngân hàng. Bước sang năm nay, nhu cầu vay vốn của DN tăng trở lại nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh nên ngân hàng có nguồn khách hàng dồi dào để lựa chọn và cũng 'kén' DN cho vay hơn trước kia”
Bà Hạnh cho biết, việc thu hút đầu tư trên địa bàn rất khó, nhà đầu tư biết chính sách thay đổi, họ sẽ không vay được vốn ngân hàng nên họ không vào đầu tư. DN đã đầu tư 1.500 tỷ để triển khai hạ tầng khu công nghiệp, nhưng giờ khó thu hút nhà đầu tư, dẫn đến lo ngại có thể phá sản.
Ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực (HAMI) cho biết, các hội viên mong được tiếp cận với các nguồn vốn dễ dàng hơn. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cần hỗ trợ DN cung cấp đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn dự án, bảo đảm tính chính xác, hợp lý của hồ sơ, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay. Đồng thời, hỗ trợ DN vay đầu tư dự án về thời gian, thủ tục hành chính, hướng dẫn, nộp và xem xét, giải quyết hồ sơ vay vốn theo quy định…
Nhiều DN có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: Như Ý
Với ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho biết, do đặc thù DN mới bắt tay vào khởi nghiệp, 3 năm là sớm để có lợi nhuận. Nhiều DN công nghiệp hỗ trợ trong tình cảnh éo le, “cởi áo vest” ra là hết tiền, bởi không như các DN, ví dụ khối bất động sản, có dự án là có tiền.
“Các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ rất cần được vay vốn lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay dài. Vì đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ phải mất 2-3 năm may ra mới có lãi, thậm chí có DN 5-10 năm. Vậy nên chúng tôi cần có nhiều hình thức cho vay tín chấp, thế chấp”, ông Vân đề xuất. Ngoài ra, ông Vân cho rằng, các tổ chức tín dụng nên có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên, với các hợp đồng lớn.
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng khó giải ngân
Nhằm hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với gói ngân sách 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
Đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,4%). Chỉ trong nửa đầu năm 2022, ngân hàng đã sử dụng tới 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm.
Đại diện một NHTM nhà nước cho biết, khoản vay ưu đãi 40.000 tỷ đồng chỉ bằng 1/10 dư nợ cho vay của toàn hệ thống. Như vậy, cứ 10 DN, chỉ có 1 DN có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi này.
“Quy mô của khoản vay ưu đãi chỉ bằng 1/10 so với tổng dư nợ hiện nay của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, cứ 10 DN mới có 1 DN tiếp cận vốn vay và ngân hàng phải lựa chọn kỹ để tránh cho vay chưa đúng đối tượng. Đây chính là lí do nhiều DN kêu khó tiếp cận vốn hỗ trợ”, đại diện ngân hàng này cho biết.
Là một trong các ngân hàng thực hiện gói vay hỗ trợ lãi suất 2%, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Với con số khá hạn chế nói trên, theo bà Phượng, chỉ có số khách hàng với khoảng 10% dư nợ của Agribank được hỗ trợ lãi suất 2%. Về điều kiện được hỗ trợ, ngoài điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng như quy định, các khách hàng phải được đánh giá là có khả năng phục hồi.
Lãnh đạo một nhà băng cổ phần cỡ vừa cũng than thở rằng, hoạt động nhà băng từ nay đến cuối năm gần như sẽ "đóng cửa" mảng cho vay tới hết năm, trừ dự án giải ngân theo tiến độ hoặc khách hàng có điểm xanh rất tốt. "Room tín dụng của chúng tôi thực ra nếu cho làm thẳng băng thì đến tháng 6/2002 đã có thể dùng hết. Nhưng chính vì biết Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng trong "nới room" cho nên chúng tôi phải cầm cự cho vay nhỏ giọt.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Chỉ trong nửa đầu năm 2022, ngân hàng đã sử dụng tới 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, một số NHTM sử dụng hết room tín dụng cả năm 2022.
Nhiều NHTM đã đề nghị NHNN nới room tín dụng có thêm dư địa tăng trưởng, song NHNN không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm.
Tiền phong