Ngân hàng số: Chậm chân sẽ mất thị phần
Tư duy đổi mới của khách hàng đã là động lực lớn khiến các ngân hàng đang cạnh tranh và liên tục cải tiến hệ thống phục vụ dịch vụ ngân hàng số.
- 01-11-2016Dùng ánh mắt, mạch máu bảo mật giao dịch ngân hàng
- 29-10-2016Ngân hàng sẽ bỏ lại cuộc cạnh tranh về mạng lưới để bước vào “cuộc chiến” khác?
- 12-10-2016Ngân hàng nên đầu tư bao nhiêu vào hệ thống bảo mật thì sẽ an toàn?
Với sự phát triển ngày càng phổ biến của công nghệ, đòi hỏi các ngành các lĩnh vực phải thay đổi đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, trong đó hoạt động của ngân hàng đang đặt ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các sản phẩm ngân hàng ứng dụng công nghệ số là có ý nghĩa khách quan và đây là một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu trong cạnh tranh của ngành ngân hàng trong tương lai.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, càng ngày càng có nhiều người tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong dịch vụ. Chính vì thế, các ngân hàng đang cạnh tranh trong công cuộc đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ rất lớn, thay vì bằng nửa tiếng hay vài phút thì giờ đây tiện ích dịch vụ chỉ cần 1 click tính bằng giây là đã thực hiện thành công giao dịch.
Hiện nay nhiều ngân hàng đã xây dựng chiến lược thay đổi cơ cấu thu nhập, gia tăng tỷ trọng dịch vụ vì thế cũng đã rất quan tâm đến việc đổi mới công nghệ.
“Mỗi năm Vietcombank dành khoảng 30-40 triệu USD cho đổi mới công nghệ. Khách hàng sử dụng tăng, mỗi năm trên 1 triệu khách hàng mới sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Riêng năm 2015, có gần 2 triệu khách hàng mới sử dụng dịch vụ điện tử”, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Còn theo chia sẻ của ông Douglas Jackson, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Toàn cầu Boston Consulting Group (BCG), các khách hàng Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc giao dịch bằng tiền mặt, dùng hoá đơn để thanh toán. Như vậy, khách hàng cũng phải thay đổi tư duy thì mới góp phần tạo nên thay đổi tư duy cho các ngân hàng. Việt Nam là quốc gia rất trẻ, nhân lực trong cơ cấu vàng. Đó là cơ hội để tạo nên những thế hệ nhân lực trẻ áp dụng công nghệ số.
Tư duy đổi mới của khách hàng đã là động lực lớn khiến các ngân hàng đang cạnh tranh và liên tục cải tiến hệ thống phục vụ dịch vụ ngân hàng số. Tuy nhiên bên cạnh nhiều cơ hội mang lại thì còn rất nhiều thách thức.
Thị trường ngày càng tinh vi
Thị trường tài chính sẽ phát triển ngày càng tinh vi, lớn mạnh và nhiều thay đổi trong thời gian tới, nếu các ngân hàng không thay đổi, không chú trọng đầu tư vào công nghệ sẽ là thách thức cực lớn.
Trao đổi với chúng tôi tại một hội thảo về công nghệ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng đã khắng định đầu tư vào công nghệ, ngân hàng sẽ có lợi nhuận ròng khoảng 15-17%.
Ông cũng đưa ra 8 nhân tố tác động đến hoạt động ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, môi trường pháp lý thay đổi theo hướng chặt hơn, thận trọng hơn sẽ làm tăng chi phí hệ thống ngân hàng, từ đó làm giảm lợi nhuận.
Ngoài ra, từ phía khách hàng do thay đổi dân số học, dân số già đi, thu nhập tăng lên, vì thế khách hàng cũng khó tính hơn. Khách hàng ngày càng hiểu biết hơn, đòi hỏi cao hơn, kết nối sử dụng IT nhiều hơn nên tin lành, xấu lan truyền rất nhanh cũng như yêu cầu tính bảo mật cao hơn.
Ông Lực cũng nhấn mạnh, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng và giữa hệ thống ngân hàng với các tổ chức phi ngân hàng. Một loạt các tổ chức phi ngân hàng xuất hiện và cung cấp các dịch vụ cực kỳ tiện lợi, nhanh chóng nhưng thua ngân hàng ở mức kiểm soát rủi ro.
Vì vậy, cần phát huy điểm mạnh này để bảo vệ người tiêu dùng. Thêm vào đó, Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các sân chơi quốc tế, cùng với việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới, khi đó sẽ tác động đến lãi suất ngân hàng.
Nếu chậm chân sẽ mất thị phần
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs - ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam từ trước đến nay là một khái niệm xa xỉ với đại đa số dân chúng, bởi nó đi liền với hình ảnh văn phòng sang trọng, dịch vụ cao cấp. Vì vậy, chỉ một bộ phận khách hàng có thu nhập tốt mới hướng tới các dịch vụ này.
"Chỉ có khoảng 30% dân số sử dụng thường xuyên dịch vụ ngân hàng. 70% còn lại người ta nhìn thấy dịch vụ ngân hàng là những thứ xa xỉ ví như phòng giao dịch bóng loáng, nhân viên chuyên nghiệp nào cavat, guốc cao,... mọi thứ dường như thật đắt đỏ. Vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này", ông Bình cho biết.
Các ngân hàng đã bỏ lại cơ hội thị trường rất lớn cho các công ty công nghệ (FinTech) đưa ra ứng dụng phục vụ thị trường tài chính này, nhắm vào đối tượng nằm ngoài vùng phủ sóng.
Nói về làn sóng FinTech, lãnh đạo Vietcombank cho biết dịch vụ FinTech cung cấp chủ yếu liên quan đến sản phẩm thanh toán online, đối với thị trường Việt Nam hiện nay FinTech chưa phải đối thủ của các ngân hàng vì quy mô của họ vẫn rất nhỏ, lĩnh vực mà họ đầu tư thì các ngân hàng cũng đang có thế mạnh về vốn, về nguồn lực mạng lưới.
FinTech là một thuật ngữ dùng để miêu tả các công ty ứng dụng công nghệ tân tiến vào ngành Dịch vụ Tài chính. Lợi thế của các công ty FinTech nằm ở việc áp dụng công nghệ để đổi mới, hiện đại hóa các kênh bán hàng và gia tăng sự thuận tiện, khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh phù hợp hơn cho khách hàng...
Hiện tại các công ty FinTech chỉ cung cấp phần mềm thanh toán và một số các hoạt động cho vay giới hạn, họ đang được dự báo sẽ trở thành một mối đe dọa cho các ngân hàng và thậm chí là các công ty tài chính tiêu dùng.
Tuy nhiên ông Thành cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, cạnh tranh của FinTech chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến thị phần các ngân hàng. Nếu ngân hàng nào đầu tư và chú trọng sẽ vươn lên còn ngược lại không đầu tư bài bản thì sẽ nhường lại miếng bánh thị phần cho các công ty phi truyền thống ngân hàng này.
Còn theo nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Quản trị Toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) trên 200 khách hàng là các định chế tài chính để thấy những khó khăn của họ khi áp dụng ngân hàng số, đó là: các ngân hàng có rất nhiều lộ trình nhưng không có một tầm nhìn chung về kỹ thuật số; giao diện và hệ thống không được tích hợp; hạ tầng cũ lỗi thời; không có khả năng đáp ứng tốc độ số với đủ độ tin cậy; khả năng truy cập dữ liệu đa kênh kém.
Có thể thấy rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến tới ngân hàng số vừa là cơ hội vừa là thách thức, vừa là động lực cho ngành ngân hàng phát triển. Ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác với ngân hàng mới, khác với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức sản xuất sản phẩm, pháp lý, dịch vụ khách hàng…. đòi hỏi các ngân hàng phải học hỏi kinh nghiệm và phát triển.