MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới: Nới lỏng quy định cách ly bắt buộc kết hợp với một số biện pháp kiểm soát khác có thể giúp Việt Nam thu hút thêm FDI

Tại buổi công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 7/2020, Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam khẳng định rằng Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp tuỳ theo mức độ bị ảnh hưởng do đại dịch mà các doanh nghiệp phải gánh chịu.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020 với chủ đề: "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19".

Theo đó, Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động rất thích hợp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực ngành nghề. 

Ông Jacques Morisset cho biết, bên cạnh việc tập trung vào đầu tư công, Chính phủ cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây là điều rất quan trọng và Chính phủ cần đặt ra mục tiêu cụ thể về các gói hỗ trợ.

Giải thích về điều này, ông cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với các cá nhân, doanh nghiệp lại không giống nhau. Theo báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020, một số ngành nghề lĩnh vực vẫn đang hoạt động rất tốt, điển hình như ngành thương mại điện tử. 

Ông Jacques Morisset đề cập đến ba nhóm ngành dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn này. Nhóm ngành thứ nhất đó là ngành du lịch. Mặc dù trong vài tuần vừa qua, du lịch nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng vẫn khác xa so với dự báo trước đó. 

Hiện nay, Đà Nẵng phải đối mặt với làn sóng bùng dịch. Do vậy tương lại của ngành du lịch đang rất mong manh, nhiều lao động trong nhóm ngành này đã mất việc làm, ông nói.

Nhóm ngành thứ hai là ngành vận tải. Tuy nhiên, Kinh tế trưởng Jacques Morisse cũng chỉ ra rằng sự phân bổ của nhóm ngành này không đồng đều. Lý do là vận tải hàng hoá trước đó có sụt giảm nhưng hiện tại đã tăng lại rất nhanh. Ngoại trừ thời điểm cách ly thì vận tải hành khách trong nước cũng đang có những dấu hiệu tích cực. 

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại ở đây là vận tải xuyên biên giới, cụ thể là những chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

Ông Jacques khẳng định, Chính phủ cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp này. Ở các nước trên thế giới, Chính phủ cũng đã có những biện pháp hỗ trợ. Bởi vì đây là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước. 

Nhóm ngành cuối cùng là chế tạo, chế biến xuất khẩu. Đây là nhóm ngành này có khả năng chống chọi rất tốt trong thời điểm khủng hoảng. Tuy nhiên, xuất khẩu ở một số ngành đã bị suy giảm nghiêm trọng, điển hình như ngành dệt may, da giày. 

Nhà Kinh tế trưởng nói: "Một số doanh nghiệp trong ngành này đã phải sa thải lao động. Vì vậy, tôi cho rằng đây là ba nhóm ngành cần được hỗ trợ. Bởi đây là những động lực tăng trưởng của Việt Nam".

Ông Jacques giải thích thêm: "Sau giai đoạn khủng hoảng, những nhóm ngành này sẽ đóng vai trò lớn. Đây là vấn đề của hàng triệu lao động, và đương nhiên chúng ta không thể để hàng triệu người dân mất thu nhập cũng như việc làm. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức về điều này và cũng đã hành động. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Chính phủ cần phải làm nhiều hơn".

Việt Nam cần tái cân đối hơn là đẩy mạnh thu hút đầu tư

Kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi lớn trong vài năm vừa qua. Thực tế, Covid 19 đã đẩy nhanh những biến đổi đó. Một trong những thay đổi rõ ràng nhất đó là Chính phủ nhiều nước và các doanh nghiệp đã nhìn nhận ra rằng họ cần phải đa dạng hoá. Kinh tế trưởng Jacques nhận định: "Rất là nguy hiểm nếu như đặt tất cả các hoạt động sản xuất vào một quốc gia duy nhất". 

Một ví dụ điển hình đó là sự kiện về khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đã xảy ra trước khi có Covid-19. Đây là một bằng chứng khi một hoạt động kinh tế được thực hiện chỉ bởi một công ty duy nhất, ông Jacques nhấn mạnh.

Nhiều nhà hoạch định kinh tế cũng đã xem xét về mức độ cần thiết của việc đa dạng hoá. Tuy nhiên, đến khi Covid-19 xảy ra, nhu cầu về đa dạng hoá mới được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Thực tế, Trung Quốc là thị trường tập trung nhiều hoạt động kinh tế nhất và rất hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp đang cố gắng đa dạng hoá và Chính phủ nhiều quốc gia như Nhật Bản hay Hoa Kỳ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt này.

Ông Jacques Morisset cho biết: "Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc chiến dịch Covid-19. Đồng thời, Việt Nam lại gần Trung Quốc, cho nên việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam thì sẽ rất nhiều so với việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác, như Mexico chẳng hạn". 

Ông nói thêm, trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam với mục đích đa dạng hoá. Đối với các doanh nghiệp như doanh nghiệp điện tử chẳng hạn, đây là việc tái cân đối chứ không phải là đầu tư mới.

Theo ông Jacques, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn bởi Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư từ trước đó. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhưng không dùng các nhiên liệu, các vật liệu đầu vào của Việt Nam. Lý do là các nguyên liệu đầu vào không đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp này.

Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam không cần thu hút nhiều đầu tư hơn, mà cần đảm bảo các nhà đầu tư đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn nữa. Bởi nếu các doanh nghiệp có nhà cung cấp ngay bên cạnh thì họ sẽ giảm thiểu được rất nhiều chi phí, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng được nâng cấp lên rất nhiều. 

Theo ông Morisset, Việt Nam hiện đang áp quy định cách ly 14 ngày với người nước ngoài nào vào Việt Nam. Nếu nới lỏng quy định này kết hợp với một số biện pháp kiểm soát khác, ví như kiểm tra y tế bắt buộc với một số đối tượng nhà đầu tư nhất định, Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm FDI.

Cơ hội của Việt Nam trong kinh tế số

Ông Jacques chia sẻ, bất kỳ thay đổi nào cũng có rủi ro, kể cả về công nghệ số. Tại Việt Nam, những khu vực vùng sâu vùng xa sẽ rất khó để tiếp cận với các công cụ công nghệ số. Tuy nhiên, Việt Nam cũng quản lý rất tốt về mặt phạm vi bao phủ. Phần lớn người dân của Việt Nam, kể cả người nghèo đều đang sử dụng điện thoại thông minh, được tiếp cận internet.

Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện rất tốt trong việc nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là khi so với các quốc gia ở châu Phi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, 2/3 người dân chưa có tài khoản ngân hàng. Đây là một cơ hội để phát triển thanh toán điện tử khi mà hầu hết người Việt Nam đều dùng điện thoại thông minh. 

Hơn nữa, tiện ích này cũng cho phép người dân giao dịch tài chính, tiết kiệm hay thậm chí là huy động vốn mà không cần đi đầu xa cả. 

Cuối cùng, ông Jacques khẳng định phát triển công nghệ số sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất tích cực, đặc biệt đối với tầng lớp người nghèo tại Việt Nam. Đây cũng là những bước chuyển biến giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng của đất nước.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên