Ngân sách Tp.HCM và phiên thảo luận đặc biệt tại nghị trường
Đại biểu lên tiếng, Bộ trưởng hồi âm, đại biểu lại có ý kiến, Bộ trưởng tiếp tục đứng lên...
- 25-10-2016Cắt giảm ngân sách TP.HCM 5%: Chuyên gia kinh tế nói gì?
- 24-10-2016Bị cắt giảm ngân sách, TP.HCM rất khó khăn
Đại biểu lên tiếng, Bộ trưởng hồi âm, đại biểu lại có ý kiến, Bộ trưởng tiếp tục đứng lên... phiên thảo luận chiều 1/11 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2017 khá đặc biệt.
Bởi, ngay từ khi thảo luận tổ, việc tỷ lệ ngân sách mà Tp.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% đã khá nóng cả trong và ngoài nghị trường.
Tại phiên toàn thể, Phó bí thư Thành Uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói quyết tâm của thành phố là đề nghị được thực hiện như Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, có nghĩa là tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố.
"Trong điều kiện hiện nay Tp.HCM chia sẻ cùng với cả nước và chúng tôi đồng ý giảm nhưng giảm mức độ để đảm bảo cân đối ngân sách, không giảm đột ngột, một lúc giảm 5% mà một phần trăm số tuyệt đối rất lớn, rất khó cho thành phố", bà Tâm nói.
Sau đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - cùng là đại biểu Tp.HCM- cũng lên tiếng: để hỗ trợ tiếp sức và chia sẻ với nhân dân thành phố, kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho thành phố giai đoạn 2017 - 2021.
Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết không chỉ có Tp.HCM mà cả Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Lạng Sơn đều có ý kiến về tỷ lệ điều tiết.
Một trong những đặc điểm được Bộ trưởng nhấn mạnh là khả năng thu ngân sách rất khác nhau, riêng thành phố Hà Nội và Tp.HCM chiếm gần 50% tổng số thu của cả nước. Nếu tính chung cả 16 địa phương trọng điểm thu thì số thu chiếm tới 80% tổng số thu ngân sách của cả nước. Trong khi đó, có những địa phương như Bắc Kạn thu cả năm chưa được 600 tỷ đồng, chưa bằng số thu bình quân 1 ngày của Tp.HCM.
Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình xây dựng dự toán năm 2017, đã cố gắng xây dựng phương án để tạo sự công bằng nhất định đối với các địa phương.
Bộ trưởng cho biết, ban đầu tỷ lệ điều tiết của Tp.HCM năm 2017 là 17% ,giảm 6% so với thời kỳ 2011- 2016; Hà Nội là 42% xuống 32% giảm 10%, Hải Phòng từ 88% xuống 67%, giảm 21%, Đà Nẵng 85% xuống 55%, giảm 30%, Đồng Nai từ 51% xuống 41% giảm 7%, Bình Dương 40% xuống 34%, giảm 6% ...
Nhưng, để Tp.HCM có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội phân bổ thêm cho thành phố 1.823 tỷ đồng trong đó đầu tư phát triển là 1.447 tỷ chi thường xuyên là 376 tỷ đồng. Theo đó dự toán chi cân đối của ngân sách Tp.HCM năm 2017 là 60.369 tỷ đồng. Tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đã nâng lên 18%.
Chúng tôi rất chia sẻ với Tp.HCM, Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại.
Ông nói: "chúng tôi tin tưởng rằng đất nước ta cho dù địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương hay địa phương nhận hỗ trợ từ Trung ương cũng có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau cả về mặt tình cảm, trách nhiệm, kinh tế cũng như quy định pháp lý".
Đại biểu Tâm nói nếu như Bộ Tài chính nói thêm chuyện đầu tư có mục tiêu, phân bổ, bổ sung cho các địa phương không phải riêng Tp.HCM thì rõ ràng hơn.
Bộ trưởng Tài chính đáp, trong báo cáo của ông không nói chi tiết số liệu của các địa phương khác nhưng có nói tỷ lệ điều tiết của các địa phương khác cũng nâng lên. Ví dụ, Hà Nội là lên 35% giảm 7%, Hải Phòng lên 78% giảm 10%, trong khi nếu tính theo định mức thì giảm sâu hơn, hay Đà Nẵng 68% thì giảm 17% chứ không phải giảm 30% như tính theo định mức.
Nếu có điều kiện thì Chính phủ có thể xem xét và Quốc hội xem xét tạo điều kiện để Tp.HCM có thể làm ra của cải nhiều hơn để đóng góp cho đất nước nhiều hơn. Chúng tôi chỉ có ý muốn như vậy chứ không xin Quốc hội, Chính phủ tiền để chi tiêu về bộ máy hoặc chi tiêu thường xuyên, đại biểu Tâm tiếp tục lên tiếng.
Nếu theo yêu cầu là rất khó khăn cho nên một lần nữa chúng tôi đề nghị với Thành ủy Tp.HCM, đại biểu Quốc hội thành phố cũng như nhân dân thành phố chia sẻ với trung ương, chia sẻ với Chính phủ trong đó có chia sẻ với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thêm một lần đứng dậy.
VnEconomy