Ngang nhiên “xẻ thịt” cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới
Dọc hai bên tuyến đường đang phải đối mặt với tình trạng người dân ngang nhiên “xẻ thịt”, đào đất...
- 03-10-2016Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ "xẻ thịt" đất công tại Đông Anh
- 21-09-2016"Xẻ thịt" đất chợ, biến ki-ốt thành biệt thự
- 28-06-2016Thay thế chủ đầu tư để Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bị “xẻ thịt”
Việc người dân trên địa bàn tự ý đào đất mái taluy dương để san lấp mặt bằng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình, gây mất mỹ quan và uy hiếp ATGT khi cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới hoàn thành và đi vào khai thác.
Công khai phá đường
Sau hai năm triển khai thi công, dự án xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đang vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến cuối năm nay. Trên tuyến cao tốc dài 40km đã thành hình, nhà thầu đang tất bật thi công hoàn thiện mặt đường bằng các lớp bê tông nhựa. Tuy nhiên, dọc hai bên tuyến đường hiện đại và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn lại đang phải đối mặt với tình trạng người dân ngang nhiên “xẻ thịt”, đào đất hạ mái taluy dương khiến công trình bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng và nguy cơ đe dọa ATGT khi dự án đưa vào khai thác.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Trực tiếp thị sát toàn tuyến cao tốc vào cuối tuần qua, PV Báo Giao thông nhận thấy các vị trí mái taluy dương của tuyến đường bị người dân tự ý đào xới chủ yếu tập trung trên địa phận huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Hình ảnh máy xúc, máy đào hoạt động hết công suất, xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau chạy ngược xuôi, đất cát rơi vãi đầy đường chẳng khác nào công trường khai khoáng. Quan sát trên đoạn tuyến dài chưa đầy 10km có đến gần 20 vị trí mái taluy dương bị người dân đào xới, trong đó nhiều đoạn bị thay đổi hoàn toàn hiện trạng.
Tại Km 70+790, một chiếc máy xúc loại nhỏ được hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tảo (xóm 6, xã Sơn Cẩm) sử dụng hướng thẳng về phía mái taluy dương bên phải tuyến để đào đất khiến phần mái taluy bị biến dạng và thay đổi hoàn toàn hiện trạng. Mặc dù đã được đại diện đơn vị thi công giải thích và yêu cầu ngừng lại nhưng gia đình ông Tảo vẫn cố tình lờ đi và tiếp tục việc đào đất. Tại Km 73+400, hộ gia đình bà Bùi Thị Gái (xóm Quang Trung 1, xã Sơn Cẩm) cũng thuê máy móc, thiết bị để đào đất thuộc phạm vi phần mái taluy dương bên phải tuyến dự án để san lấp mặt bằng công trình của gia đình.
Tại Km 79+000, thuộc địa phận xã Vô Tranh, một chiếc máy xúc đã ngoặm hết phần taluy dương của tuyến đường, đào sâu vào phần đất của một quả đồi hàng chục mét. Bên trong, hai chiếc xe tải đang chờ đất được múc lên từ gầu ngoặm đổ vào, phía ngoài một chiếc xe tải khác đang dừng chờ đến lượt. Đất cát vương vãi khắp mặt đường, phần rãnh thoát nước dài gần 10m bị đất vùi lấp hoàn toàn. Ngay khi tiến lại gần, ba thanh niên tại đây liên tục quát tháo rồi dùng tay xua đuổi không cho chúng tôi tiếp cận hiện trường.
Phá hoại tài sản quốc gia, uy hiếp chất lượng công trình
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (nhà đầu tư dự án) cho biết, tình trạng người dân tự ý đào đất hạ mái taluy của tuyến đường xảy ra chủ yếu trên địa phận các xã: Phú Đô, Sơn Cẩm, Vô Tranh, Tức Tranh và Yên Lạc (thuộc huyện Phú Lương). “Theo thống kê, đến nay, có khoảng gần 20 vị trí taluy dương của tuyến đường bị người dân tự ý đào xới. Đây là việc làm phá hoại tài sản quốc gia, cố tình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý đào xới mái taluy sẽ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, đồng thời làm tăng nguy cơ sạt lở trong quá trình khai thác của tuyến đường sau này”, ông Đức nói.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, để ngăn chặn tình trạng trên, ngày 1/6/2015, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới. Đồng thời, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Phú Lương và chính quyền các xã có tuyến đường đi qua tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng dọc hai bên dự án tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng người dân tự ý đào đất, phá hỏng mái taluy của dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới chưa có dấu hiệu dừng lại. Đã đến lúc, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các địa phương nơi dự án đi qua phải vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn và giải quyết dứt điểm.
Báo Giao thông