Ngành cốt lõi nhất của Campuchia chịu áp lực khổng lồ khi Việt Nam "trở lại đường đua"
Mặc dù hưởng lợi trong ngắn hạn, nhưng ngành dệt may Campuchia gặp nhiều thách thức trong dài hạn, đặc biệt là từ Việt Nam.
- 02-02-2022Lừa đảo tàn nhẫn trong "Dự án Trung Quốc" ở Campuchia: Muốn tự do, phải trả giá đắt cắt cổ
- 02-02-2022"Mafia Trung Quốc" hoành hành tại Campuchia: Tội ác khét tiếng, trục lợi kinh hoàng
- 28-01-2022Chốt kèo khủng: Nông sản Campuchia thỏa sức "vùng vẫy" tại Trung Quốc, thu lãi cả triệu đô
Ngành dệt may Campuchia
Theo Nikkei Asia, ngành công nghiệp may mặc của Campuchia đang tăng cường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp để tăng số nhân viên địa phương đảm nhận các vị trí cấp cao trong các nhà máy.
Trong một quảng cáo truyền hình được phát sóng gần đây, Viện Đào tạo May mặc Campuchia (CGTI) do ngành dệt may tài trợ hy vọng sẽ thuyết phục được các tài năng địa phương trong lĩnh vực này sẽ giúp nhà máy phát triển.
Ngành dệt may của Campuchia đã sử dụng hơn 750.000 lao động và tạo ra hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước này. Tuy nhiên, ngành dệt may Campuchia vẫn phải đối mặt với vấn đề nan giải là ngành này chủ yếu sử dụng lao động có trình độ thấp và chi phí rẻ.
Tạm thời, các xưởng may địa phương ở Campuchia vẫn hái ra lợi nhuận. Sau khi vượt qua suy thoái kinh tế do đại dịch - bắt đầu từ nguồn cung vải sụt giảm từ Trung Quốc và sau đó là nhu cầu toàn cầu đi xuống - các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia đã quay trở lại nhanh chóng, một phần nhờ vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc tại nước này.
Một công nhân nhà máy may mặc tiêm vắc xin COVID-19 vào tháng 4/2021 tại một khu công nghiệp ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters
Tình hình khu vực cũng tạo điều kiện cho Campuchia hưởng lợi. Chuỗi cung ứng thế giới thay đổi do mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, cuộc đảo chính ở Myanmar và bùng phát COVID-19 nghiêm trọng ở các nước sản xuất hàng may mặc lớn như Việt Nam và Bangladesh đã giúp Campuchia có lượng đơn đặt hàng dệt may tăng vọt vào năm 2021.
Theo số liệu của Cục Hải quan Campuchia từ tháng 10, xuất khẩu hàng may mặc đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy Campuchia đã tăng thị phần ở hầu hết các nước nhập khẩu hàng của nước này.
Tổng thư ký Hiệp hội Sản xuất Hàng may mặc tại Campuchia (GMAC) Ken Loo cho biết Campuchia tạm thời có lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh.
Hàng dệt may Campuchia xuất khẩu tới Mỹ và EU (đơn vị: tỉ USD). Đơn hàng Campuchia xuất tới Mỹ tăng 27,2% trong năm 2021 so với năm 2020.
Ông Loo nói: "Việc ngành dệt may Campuchia tăng trưởng tốt là nhờ vào việc một loạt nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Dù vậy, rõ ràng tình hình như vậy sẽ không kéo dài. Việt Nam đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ".
Các nhà phân tích cho biết Campuchia có những cơ hội ngắn hạn nhưng phải đối phó với thách thức dài hạn, cũng như khả năng đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Phó giáo sư ngành thời trang Sheng Lu tại Đại học Delaware, Mỹ cho rằng các mục tiêu của Campuchia thời hậu Covid cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bên ngoài EU và Mỹ. Hiện tại, châu Âu chiếm 35% hàng may mặc, giày dép và đồ du lịch xuất khẩu từ Campuchia; còn con số ở Mỹ là 37% – theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Máy đo thân nhiệt và nước rửa tay tại một lối đi dành cho người đi bộ tại nhà máy của Công ty Cổ phần May Nhà Bè ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, vào ngày 7/10/2021. Ảnh: Getty
Ở phía bên kia của chuỗi cung ứng, Campuchia cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phụ thuộc hoàn toàn vào vải nhập khẩu, hơn 60% là từ Trung Quốc.
Nếu không đầu tư vào sản xuất hàng dệt trong nước, Campuchia vẫn phải chịu những cú sốc từ chuỗi cung ứng. Nước này cũng sẽ phải tuân thủ các điều kiện thương mại mới nếu nước này thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) do Liên hợp quốc đánh giá vào năm 2024.
Áp lực từ Việt Nam
Theo Báo tin tức, trong quý IV/2021, các tỉnh phía Nam Việt Nam dần mở cửa trở lại. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Theo báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương, thời gian sản xuất ngày càng có tầm quan trọng tác động lớn đến quyết định của khách hàng quốc tế. So sánh với một số nhà sản xuất lớn trên thế giới hiện nay, thời gian sản xuất của hàng may mặc Việt Nam dài hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ, ngắn hơn so với Bangladesh và Campuchia.
Năng lực ngành dệt may của Việt Nam so với các đối thủ khác trên thế giới. Việt Nam có sức cạnh tranh khá lớn sau khi hồi phục từ đại dịch COVID-19 và là đối thủ "nặng ký" của Campuchia.
Theo Bộ Công thương, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Campuchia là Mỹ và EU. Đây cũng là những thị trường chủ đạo của xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ lợi thế lớn trước Campuchia nhờ những thế mạnh về trình độ người lao động và cơ sở vật chất.
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành dệt may bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%.
Bộ Công thương cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm, từ nghiên cứu - phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng…, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đây là những lợi thế lớn của Việt Nam và cũng là "vũ khí" cạnh tranh hiệu quả, gây ra áp lực không nhỏ đối với những đối thủ khác, trong đó có ngành dệt may của Campuchia.
Doanh nghiệp và tiếp thị