Ngành dầu khí đương đầu 4 thách thức lớn
Ngành dầu khí đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn là: Một số vỉa dầu, mỏ dầu khai thác được trong những năm vừa qua đang có dấu hiệu cạn kiệt; cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh trong chính lĩnh vực dầu khí rất gay gắt; tình hình thế giới, khu vực và nhất là sự cạnh tranh, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và nội bộ ngành dầu khí cũng bộc lộ một số vấn đề.
- 20-09-2018Những vụ án liên quan đến ngành dầu khí: Cùng một 'kịch bản'?
- 12-01-2018Ngành Dầu khí phải đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế
Đó là một trong những đánh giá của Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi tại tọa đàm “Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 13/12) tại Hà Nội.
Bên cạnh thách thức, hiện nay, ngành dầu khí Việt Nam đang có 4 cơ hội lớn gồm: Tiềm năng to lớn với trữ lượng 4,4 tỷ thùng, đứng thứ 3 châu Á và đứng thứ 28 trên thế giới; có truyền thống vẻ vang; thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên Hội đồng thành viên PVN: Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn 11 tháng năm 2018 đạt 22,1 triệu tấn, hoàn thành 96,8% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất điện, xăng dầu và đạm trong 11 tháng qua đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 11 tháng đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 2,2% kế hoạch năm.
Đặc biệt, chỉ qua 11 tháng, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 108.122 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch năm 2018. Về lợi nhuận, tập đoàn đạt được 45,561 nghìn tỷ đồng, tăng 88% so với kế hoạch.
Liên quan tới câu chuyện thúc đẩy phát triển ngành dầu khí thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: PVN cần hoàn thiện quy hoạch phát triển, tìm kiếm thăm dò khai thác có tính ổn định, khả thi. Bên cạnh đó, Tập đoàn cần xây dựng các danh mục dự án, kêu gọi đầu tư nước ngoài hướng đến những nhà đầu tư lớn như Nga, Mỹ, Nhật Bản...
Từ góc độ Chính phủ và các bộ, ngành, điều cần làm là rà soát các cơ chế hiện hành, điều chỉnh bổ sung các cơ chế mới, đặc biệt là thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia để có được tác động liên ngành; cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến dầu khí, đa dạng sản phẩm để xuất khẩu.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, ngành dầu khí còn cần có một cơ chế đầu tư ra nước ngoài sao cho đảm bảo duy trì nguồn thu, giữ vững vị thế và tiếp thu được các công nghệ mới để tiếp tục đầu tư trong nước...
Xung quanh vấn đề này, Phó chủ tịch Hồ Quang Lợi nêu rõ: Thực tế, vì xác định được vị trí, vai trò quan trọng của ngành dầu khí nên Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng thành những biện pháp cơ bản, cụ thể hỗ trợ ngành dầu khí.
"Ngoài ra, ngành dầu khí đã có những đóng góp nguồn tài chính rất lớn cho đất nước, nhưng bản thân ngành dầu khí cũng phải rất chắt bóp, tiết kiệm trong chi tiêu. Trong khi đó, ngành dầu khí đòi hỏi phải có công nghệ, kỹ thuật cao, đầu tư rất lớn. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính cho ngành dầu khí nhiều hơn để thăm dò những mỏ dầu mới...", Phó chủ tịch Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Hải quan