Ngành dệt may phấn đấu đạt mục tiêu hơn 30 tỷ USD năm 2017
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trong năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 30 tỷ USD.
- 31-12-20162016 - Năm khó khăn của ngành dệt may
- 28-11-2016Công nghiệp 4.0 tác động gì đến ngành dệt may Việt Nam?
- 05-10-2016Lương trung bình ngành vượt Indonesia, dệt may Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư?
Ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện vẫn có hàng chục hiệp định thương mại tự do mở ra dư địa cho xuất khẩu nên thay vì chạy theo số lượng, năm nay ngành dệt may sẽ chú trọng chuyển sang chất lượng.
Bên lề cuộc họp tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành công thương tổ chức ngày 6/1, phóng viên TTXVN đã trao đổi nhanh với ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - về định hướng của ngành.
- Năm 2016 là năm ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường bị sụt giảm. Xin ông cho biết với những giải pháp quyết liệt nào đã giúp ngành đạt mức tăng trưởng như năm vừa qua?
Ông Lê Tiến Trường: Năm 2016 do nhu cầu chung của cả thế giới bị suy giảm, tất cả các quốc gia nhập khẩu đều nhập khẩu thấp hơn năm 2015 nên các nước xuất khẩu đều gặp khó khăn về phát triển thị trường. Ngay cả các quốc gia lớn như Ấn Độ, Trung Quốc xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam là nước có tốc độ xuất khẩu dệt may đạt 5,2%, là mức cao nhất so với bảy nước xuất khẩu dệt may lớn nhất của thế giới.
Chúng tôi cho rằng giải pháp lớn nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tập trung nâng cao năng suất gắn với thời gian giao hàng cũng như các hoạt động về hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng trong nước để tiếp cận được các thị trường ở mức độ khó hơn, đơn hàng nhỏ lẻ hơn mà vẫn phục vụ được.
Hơn nữa, cùng với sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô trong nước, hoạt động cải cách hành chính của Chính phủ thực hiện trong năm 2016 cũng đã có những tác động tích cực. Trước hết là về tinh thần cho các nhà đặt hàng, các nhà cung cấp nhìn thấy một môi trường kinh doanh ngày càng có sự cải thiện tốt hơn. Đặc biệt, việc cải cách hành chính tại các Bộ Công Thương, Tài chính, cơ quan thuế, hải quan đã giúp cho khoảng thời gian thực hiện các dịch vụ công được rút ngắn.
Riêng với ngành thời trang thời gian giao hàng có thể coi là yếu tố cốt lõi của cạnh tranh, vì thế việc Việt Nam tiếp tục theo hướng cải cách hành chính mạnh mẽ, rút ngắn thời gian của dịch vụ công, thuận tiện hơn, giảm chi phí dịch vụ công cũng sẽ là sự hỗ trợ hết sức lớn cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
- Vậy, nhiệm vụ năm 2017 của ngành dệt may sẽ như thế nào?
Ông Lê Tiến Trường: Thực tế 2017 tình hình thị trường sẽ tương tự như năm 2016 hoặc có những tín hiệu sáng hơn một chút khi mà kinh tế Hoa Kỳ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn và mức độ tiêu thụ, tiêu dùng của thị trường này cũng hy vọng cải thiện hơn so với năm 2016.
Chính vì vậy, ngành dệt may đặt ra kế hoạch của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng 6,5-7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, để có được kết quả này rất cần sự nỗ lực tổng hợp cả về phía doanh nghiệp, quản lý nhà nước và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung. Trong đó, đặc biệt tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ đến các nơi. Ngoài ra, tập trung củng cố mạng lưới phân phối logistics đối với các nước.
- Hiệp định Việt Nam-EU và một số các hiệp định thương mại khác cũng được đánh giá thuận lợi trong năm 2017. Ông đánh giá như thế nào về tác động các hiệp định này đối với ngành dệt may?
Ông Lê Tiến Trường: Hiệp định Việt Nam-Eu là một hiệp định rất lớn vì qui mô của thị trường châu Âu là qui mô lên tới 200 tỷ USD hàng hóa một năm. Tuy nhiên 2017 là năm Hiệp định này chưa có hiệu lực và hy vọng vào 2018. Dù vậy, 2017 vẫn được coi là năm để chuẩn bị cho các yêu cầu của Hiệp định này vì yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải. Vì thế, Việt Nam phải có sự chuẩn bị rất kỹ thì mới có thể tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định mang lại.
Sau khi Hiệp định Việt Nam-EU có hiệu lực, chúng ta sẽ có cùng mặt bằng cạnh tranh với các nước đang hưởng hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) như Campuchia, Bangladesh, Myanmar cho một số danh mục chính của ngành dệt may. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2018. Chẳng hạn như Bangladesh có tới 40% kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu lên tới 15 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ là 4 tỷ USD. Chúng ta vẫn có rất nhiều cơ hội ở đây.
Với các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác do qui mô thị trường nhỏ hơn nên tác động chung lên ngành trong thời gian tới là không nhiều nhưng cũng là cơ hội mới để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm cơ hội cho các hoạt động xuất khẩu của mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Vietnam+