Ngành điện phía Nam lắng nghe, kịp thời đáp ứng nhu cầu điện của người dân
Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các công ty điện lực (CTĐL) thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chủ động làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại 21 tỉnh thành phía Nam để báo cáo tình hình cung ứng, sử dụng điện trên địa bàn và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc.
- 31-10-2023Toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023
- 31-10-2023TP.HCM phát động “60 ngày đêm” để giải ngân đầu tư công
- 31-10-2023Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, giảm giờ làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần
Đồng thời, các đơn vị điện lực luôn đi cùng các ĐBQH trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhằm lắng nghe, ghi nhận những khó khăn vướng mắc, kiến nghị và nguyện vọng của người dân để kịp thời giải đáp các thắc mắc cũng như có kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện tại địa phương.
Tính đến nay, 21 CTĐL đã trực tiếp báo cáo, tham gia tiếp xúc cử tri cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh tại khu vực 21 tỉnh phía Nam. Trong đó, ghi nhận rất nhiều ý kiến của cử tri, phần lớn quan tâm và kiến nghị liên quan các hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện, cấp điện khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, thu hồi đất làm công trình điện, giá điện và công tác dịch vụ khách hàng. Đa số các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc đều được các CTĐL giải quyết, trả lời thỏa đáng.
Kỳ 1: Giải đáp cụ thể, thuyết phục khách hàng sử dụng điện
Công tác dịch vụ khách hàng và giá điện là những vấn đề liên quan đến mọi người dân vì vậy được rất nhiều khách hàng sử dụng điện quan tâm và đặt vấn đề trong các cuộc tiếp xúc với các Đoàn ĐBQH.
Thay đổi có lợi
Ông Lương Tấn Đạt, cử tri ở ấp Lê Văn Xe, xã Ngọc Đông, Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) thắc mắc việc thay công tơ điện tử khiến tiền điện sử dụng gấp đôi. Công ty Điện lực Sóc Trăng giải đáp thắc mắc của ông Đạt: Thực hiện theo chủ trương chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bán điện của nhà Nước, hiện nay Điện lực không còn sử dụng công tơ cơ mà chuyển sang sử dụng 100% công tơ điện tử có chức năng đo ghi từ xa.
Việc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Đồng thời mang lại sự tiện lợi cho khách hàng sử dụng điện như không bị làm phiền khi nhân viên đến ghi điện, hạn chế việc giả danh ngành điện đến ghi điện rồi thu tiền, giúp người sử dụng điện dễ dàng giám sát việc sử dụng điện hàng ngày... “Công tơ điện tử có chức năng đo ghi từ xa, trước khi lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn đo lường và chất lượng; được kẹp chì, niêm phong theo quy định pháp luật nên quý cô, bác cử tri an tâm sử dụng điện” vị đại diện Công ty Điện lực Sóc Trăng chia sẻ với người dân.
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cử tri Trần Trị Thanh (ấp Hiệp Lợi, thị trấn Định Quán (Đồng Nai) đặt vấn đề: Việc Điện lực ghi điện thêm 3 ngày, tổng cộng thành 33 ngày. Vậy, số tiền điện phát sinh do ghi thêm 3 ngày này đi về đâu?
Công ty Điện lực Đồng Nai đã giải thích cho khách hàng về lý do dời ngày ghi chỉ số về cuối tháng. Theo lộ trình, đến năm 2025 hoàn thành 100% khách hàng có lịch GCS vào ngày cuối tháng. Trong đó, năm 2023 sẽ dời 9 ngày, mỗi tháng dời 3 ngày vào các tháng 9, 10 và 11/2023. Ngoài ra, trước khi triển khai thực hiện; Công ty Điện lực Đồng Nai cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Công thương, các ban ngành đoàn thể, đồng thời chỉ đạo các Điện lực gửi văn bản đến UBND huyện, các xã, thị trấn, ban ngành trên địa bàn để hỗ trợ thông báo đến khách hàng sử dụng điện.
Bên cạnh đó, sản lượng tăng thêm do dời ngày ghi điện cũng là phần sản lượng điện khách hàng đã sử dụng, không ảnh hưởng đến định mức, giá sinh hoạt bậc thang. Qua nội dung trả lời của Công ty, cử tri đã hiểu, hài lòng và không còn ý kiến gì thêm.
Cử tri Phạm Công Hiệp (ấp Thạnh Hựu, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) ý kiến về vấn đề người dân trả tiền điện hàng tháng qua App cài đặt trên điện thoại di dộng, người dân không nhận được giấy báo tiền điện từ Điện lực gởi nữa nên không biết số tiền điện để thanh toán.
Đại diện Điện lực Châu Thành (trực thuộc Công ty Điện lực Bến Tre) giải trình với cử tri về lợi ích việc cài App trên điện thoại di động giúp khách hàng tra cứu được thông tin tiền điện, thông tin ngừng cấp điện, …rất hữu ích. Nếu khách hàng không cài App trên điện thoại thông minh được, có thể liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng số ĐT: 19009000 hoặc 19001006 để được hỗ trợ tra cứu thông tin thêm, hoặc liên hệ các địa điểm thu hộ tiền điện, Ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ thanh toán tiền điện kịp thời.
Điện lực Châu Thành sẽ hỗ trợ người dân cài đặt App trên điện thoại theo khu vực (nếu cần) nhân các sự kiện có đông người tại địa phương. Hướng tiếp theo, Điện lực sẽ phối hợp tham gia với Tổ chuyển đổi số cộng đồng Đoàn thanh niên tại các xã cài App trên điện thoại di động cho tất cả khách hàng trên địa bàn châu thành
Gía điện đảm bảo hài hòa
Trước đề nghị của cử tri thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận về việc ngành điện xem xét lại giá điện sinh hoạt vì quá cao. Bà Đàng Thị Mỹ Hương - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đã giải đáp cho cử tri biết, giá điện do chính phủ Quyết định và đã xem xét tác động tới nhiều thành phần trong xã hội, đảm bảo hài hòa.
Trao đổi với cử tri tại xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) bà Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH Kiên Giang cho biết: "Việc giá bán điện tăng được thực hiện theo qui định của nhà nước và giá điện tăng ở mức không quá 3% và giá bán điện áp dụng theo quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 04/5/2023. Bên cạnh đó cộng với việc ngành điện dịch chuyển lịch ghi chỉ số về ngày cuối tháng so với trước đây là ở khoảng giữa tháng, để khách hàng tiện theo dõi, dễ nhớ nên dẫn đến hóa đơn tiền điện trong tháng tăng cao
Khi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cử tri huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho rằng giá điện hiện nay có nhiều mức giá làm tăng chi phí cho người sử dụng điện, đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị thay đổi về một mức giá chung. Điện lực Tân Hiệp có thông tin đến cử tri giá bán điện được thực hiện theo qui định của chính phủ, giá bán điện hiện nay áp dụng theo quyết định 1062/QĐ-BCT. Tuy nhiên, để cụ thể và rõ ràng, đại diện Đoàn biểu Quốc hội đề nghị Sở Công thương trả lời bằng văn bản để cử tri nắm rõ.
Cử tri ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ cho các hộ dân phát triển nguồn năng lượng mặt trời mái nhà (NLMTMN) để sử dụng. “Giá mua điện mặt trời cố định một mức giá, nhưng giá bán lẻ điện lại điều chỉnh tăng?”, cử tri đặt vấn đề.
Đại diện Công ty Điện lực Đồng Tháp trả lời: Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt nam có hiệu lực đến hết 31/12/2020 và hiện nay Chính phủ chưa ban hành quyết định thay thế. Do vậy ngành điện tạm thời tạm ngưng thỏa thuận đấu nối nguồn NLMTMN cho tới khi có hướng dẫn mới của cơ quan chức năng. Giá mua điện MTMN cố định một mức giá là căn cứ cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo chủ trương của chính phủ. Còn mức giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân."
Tiếp xúc cử tri ngày 10/10/2023 tại hội trường UBND xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, cử tri hỏi: “Hiện nay bên Tổng công ty Điện lực Miền Nam có bán bảo hiểm tai nạn điện cho khách hàng sử dụng điện không?”
Trả lời cử tri, ông Võ Thanh Khiết – Phó giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, hiện nay ngành Điện hoàn toàn không có bán bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện. Công ty Điện lực Bến Tre mong muốn chính quyền địa phương, người dân và khách hàng sử dụng điện hỗ trợ giám sát, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân cẩn trọng, để không bị kẻ gian lợi dụng.
(Còn tiếp)
Tiền Phong