MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành du lịch gặp đại hạn vì Covid-19, CEO công ty lữ hành phải bán nông sản online để cầm cự qua dịch

22-04-2020 - 07:20 AM | Thị trường

Buộc phải ngừng hợp đồng toàn bộ nhân viên, anh Nguyễn Trường Sơn, CEO một công ty lữ hành nhỏ ở Quy Nhơn, chuyển sang bán nông sản online để có chút tiền duy trì và trả lương cho 1 kế toán vì “công ty mà không có kế toán cũng kỳ”.

Hôm 10/4 là ngày mà có lẽ nhiều năm nữa anh Sơn, CEO công ty lữ hàng Quy Nhơn Bay, cũng không thể quên. Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến lượng khách của công ty giảm xuống 0, buộc anh Sơn phải sa thải toàn bộ nhân viên vì không thể trụ vững được nữa. Trước đó, dàn xe phục vụ du lịch của công ty, mà phần nhiều trong số đó được mua bằng tiền vay, cũng buộc phải nằm chôn chân tại các bến đỗ.

Tự mô tả mình là doanh nghiệp "siêu nhỏ", diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến anh Sơn gần như không kịp trở tay. Chủ yếu phục vụ khách quốc nội, nguồn thu từ du lịch của công ty anh Sơn nhanh chóng về 0 sau khi Việt Nam bắt đầu có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ngay khi việc kiểm soát dịch bệnh trong nước đang khá hiệu quả, anh Sơn cũng không thể biết khi nào tình hình có thể trở nên khả quan hơn.

"Hiện tại, tôi đang bán nông sản trên Facebook. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này giúp tôi trang trải các chi phí trong cuộc sống và có thêm chút tiền để trả lương kế toán. Công ty giờ còn hai người, một là giám đốc và một kế toán bởi công ty mà không có kế toán thì cũng kỳ", anh Sơn chia sẻ bằng chất giọng đặc trưng của miền Trung.

Trong kỳ vọng lạc quan nhất của mình, anh Sơn hy vọng giữa tháng 5 mọi thứ sẽ đi vào ổn định nhờ dịch bệnh được kiểm soát cùng với thời tiết nóng hơn sẽ thúc đẩy mọi người đi du lịch nhiều hơn. Việc chuẩn bị để có thể trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng đang được anh Sơn tính đến.

"Mình sẽ chú trọng tăng chất lượng dịch vụ cũng như giảm giá thành để thu hút khách. Năm nay, mình chấp nhận lỗ thì cũng lỗ rồi nên sẽ chủ yếu làm để lấy thương hiệu, phục vụ các mục tiêu dài hạn trong tương lai. Niềm tin mà khách hàng dành cho mình, thương hiệu của mình mới có thể giúp mình tồn tại được lâu dài", anh Sơn chia sẻ.

Vét sạch tài sản để bù lỗ cho tình hình kinh doanh hiện nay, anh Sơn mong muốn có một nguồn vay nào đó, với lãi suất thấp, để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn. Dàn xe trả góp đang nằm bãi khiến áp lực với doanh nghiệp của anh Sơn càng lớn. Trong khi đó, với phần nhiều nhân sự là nhân viên hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội ở công ty khiến cơ hội tiếp cận các khoản vay ưu đãi của nhà nước ngày càng ít.

Ngành du lịch gặp đại hạn vì Covid-19, CEO công ty lữ hành phải bán nông sản online để cầm cự qua dịch - Ảnh 1.

Các biện pháp giãn cách xã hội khiến hoạt động du lịch gần như tê liệt hoàn toàn (ảnh minh hoạ)

"Tê liệt" có lẽ là từ chính xác nhất để nói về ngành du lịch trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh tâm lý e ngại của khách hàng, việc tiến hành giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch bệnh lây lan cùng với tạm đình các chuyến bay và dịch vụ vận chuyển hành khách là những đòn hạ gục ngành công nghiệp này.

Trong thống kê mới được ngành du thành phố Hồ Chí Minh công bố, 90% số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố đã phải ngừng hoạt động trong quý 1/2020. Tình hình rất tệ vào tháng Giêng và tháng 2 sau khi dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc. Tới tháng 3, tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Không chỉ riêng Việt Nam, các chính sách hạn chế đi lại trên toàn thế giới đã tác động mạnh tới ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Cả khách quốc tế và khách quốc nội đều không muốn và không thể đặt tour đã khiến tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ. Một số doanh nghiệp lữ hành chọn cách đóng băng, số khác, kém may mắn hơn, buộc phải đóng cửa vì Covid-19.

Cuối tháng trước, ông Lê Trung Thu, Giám đốc Viettourist Hà Nội, cho biết doanh nghiệp đã bật chế độ "ngủ đông" trong khi Vietravel, một thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ lữ hành, cũng có động thái tương tự khi đóng cửa các chi nhánh và phòng giao dịch ở một số địa phương. Hàng loạt các doanh nghiệp lữ hành khác cũng đang tiến hành các bước đi tương tự để cầm cự qua thời điểm khó khăn.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết hầu hết các công ty lữ hành ở Hà Nội chuyển sang phương thức làm việc online, tập trung xử lý những việc còn tồn đọng.

Trong khi đó, việc các hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp là điều không cần phải bàn cãi. Trên các nhóm dành cho hướng dẫn viên trên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ phải lựa chọn các công việc thời vụ khác như bán hàng online hay chạy Grab để có thể duy trì các khoản chi phí hàng ngày. Tuy nhiên, cả hai ngành nghề này cũng đang gặp bế tắc khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Minh Minh

Trở lên trên