MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các gã khổng lồ châu Á sẽ phải học cách "sống chung" với khủng hoảng năng lượng

15-10-2021 - 10:41 AM | Tài chính quốc tế

Các gã khổng lồ châu Á sẽ phải học cách "sống chung" với khủng hoảng năng lượng

Các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phải đối mặt với viễn cảnh gián đoạn nguồn cung điện trong nhiều tháng nữa, ngay cả khi sản lượng than gia tăng.

Khi sản lượng khai thác tăng lên, nỗi ám ảnh thiếu than ở Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên, nó chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Á. Các ngành công nghiệp chính của khu vực, bao gồm sản xuất thép và hóa chất, dự kiến vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn điện trong suốt mùa đông. Nguồn cung nhiên liệu vẫn còn eo hẹp và việc các chính phủ ưu tiên nhu cầu sưởi ấm từ các hộ gia đình là nguyên nhân chính.

Công ty Than Ấn Độ, nhà khai thác than hàng đầu thế giới, đã tạm thời ngừng giao hàng cho tất cả những khách mua khác ngoại trừ các nhà máy điện. Việc tăng cường khai thác từ các mỏ không thể giải quyết được tình trạng này.

Natalie Biggs, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu than nhiệt của Wood Mackenzie Ltd., cho biết: "Các thị trường có thể khó tăng trưởng nguồn cung vào mùa đông năm nay. Thậm chí, nếu nhiệt độ lạnh hơn ở bắc bán cầu, tình trạng thiếu hụt sẽ ngày càng nghiêm trọng trong một số lĩnh vực", bà Biggs nói.

Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, có thể tăng sản lượng khai thác thêm 100 triệu tấn trong quý IV. Dự trữ đang tăng dần lên ở Ấn Độ. Indonesia, nước xuất khẩu hàng đầu, cuối cùng cũng đã phục hồi sản xuất sau khi bị gián đoạn bởi mưa. Ba quốc gia này cũng là những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới.

Ông Sunindyo Suryo Herdadi, một quan chức phụ trách năng lượng của Indonesia, cho biết, cuối cùng thì các thợ mỏ cũng có thể trở lại làm việc. Trước đó, hoạt động khai thác bị đình trệ bởi một mùa mưa lớn và bất thường ở Indoensia. Sản lượng khai thác đang tăng lên và dự kiến đạt 625 triệu tấn.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những nước tiêu thụ than nhiều nhất, chiếm tới 2/3 tổng nhu cầu của thế giới. Theo Biggs, ngay cả khi hoạt động khai thác gia tăng, sản lượng than toàn cầu vẫn ở dưới mức trước dịch năm 2019. Trong khi đó, nhu cầu lại đang tăng lên mạnh mẽ.

Mưa lũ ở "vựa than" của Trung Quốc đang đe dọa làm sụt giảm nguồn cung. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Indonesia và Australia. Trong khi đó, vấn đề hậu cần ở Nga và Nam Phi khiến cho việc khai thác, vận chuyển than gặp nhiều vấn đề. Kết hợp với sự phục hồi hậu đại dịch, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trở thành bài toán hóc búa. Không chỉ làm tăng giá, thiếu than còn dẫn tới tình trạng mất điện ở nhiều nơi.

Tại Trung Quốc, sản lượng khai thác than hàng tháng đã cao hơn năm ngoái khoảng 18 triệu tấn. Nhà chức trách cũng cho phép gia tăng sản lượng khai thác. Tổng cộng, Trung Quốc có thể đóng góp thêm 100 triệu tấn than trong quý này vào nguồn cung toàn cầu. Nó không chỉ giúp Trung Quốc có thể sưởi ấm các ngôi nhà mà còn giữ cho nền kinh tế hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, các ngành ngốn năng lượng vẫn đối mặt với nguy cơ cắt điện để phục vụ 2 mục tiêu trên. Sản lượng thép và xi măng có thể giảm 30% trong năm nay.

Tại Ấn Độ, dự trữ than tại các nhà máy điện đang tăng mặc dù lượng tồn kho vẫn thấp hơn 80% so với một năm trước đó. Một số bang chứng kiến tình trạng mất điện kéo dài và giá điện cũng đang tăng. Công ty Than Ấn Độ, doanh nghiệp quốc doanh, cũng đang dồn than cho điện và phục vụ đời sống thay vì cho các ngành công nghiệp khác. Điều này có thể sẽ không sớm chấm dứt.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên