MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ngân hàng trước cuộc 'đổ bộ' của những gã khổng lồ công nghệ, tiêu dùng

09-11-2018 - 09:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Như khi đun nước, nước sôi là điều sẽ xảy ra dù không thể chắc chắn thời điểm, sự ‘xáo trộn’ trong lĩnh vực ngân hàng bởi những người tham gia mới cũng là xu hướng rõ ràng, buộc các ngân hàng phải thay đổi, không thể giữ nguyên mô hình ngân hàng truyền thống.

Tháng 10, người dùng Grab tại Việt Nam được một phen “lao đao”: tài khoản GrabPay không thể nạp thêm khiến nhiều khách buộc phải chi trả bằng tiền mặt, bỏ lỡ các khuyến mãi của ứng dụng gọi xe này. Nhiều câu hỏi, nhiều lời than phiền về sự bất tiện trong giai đoạn chuyển đổi từ GrabPay sang ví điện tử Grab by Moca. Nhưng cũng chính những điều này phản ánh một thực tế rằng đã có một lượng lớn người dùng đã quen thuộc với việc sử dụng ứng dụng gọi xe, thị trường mà Grab đang nắm số 1 thị phần.

Khi thanh toán không còn là mảnh đất riêng của fintech, ngân hàng

Lợi thế của Grab là một tập khách hàng khổng lồ. Dưới tên gọi Grab by Moca, người dùng có một chiếc ví ảo để cất trữ, nhận chuyển tiền và dùng tiền này để thanh toán dịch vụ do Grab cung cấp và tương lai còn là cả thẻ điện thoại, hóa đơn điện, nước, trả tiền tại các cửa hàng bán lẻ hay tham gia khâu thanh toán giao hàng.

Ở Việt Nam, trung gian thanh toán là một ngành kinh doanh có điều kiện với nhiều yêu cầu từ vốn đến nhân sự, hạ tầng kỹ thuật, giải pháp công nghệ… Grab, tổ chức vượt ra ngoài nền tảng ngân hàng, đã đứng ra trở thành trung gian thanh toán. Báo cáo của Oliver Wyman, một công ty tư vấn tài chính toàn cầu, nhận định việc các tập đoàn công nghệ, tiêu dùng lớn tham gia vào một số mảng dịch vụ của ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, tín dụng... là xu hướng đã bắt đầu xuất hiện.

Tại Ấn độ, Facebook đang thử nghiệm thanh toán qua WhatsApp. Hay ở Indonesia, quê hương của Go Jek, ứng dụng gọi xe này vừa là trung gian thanh toán vừa hợp tác với ngân hàng để cho vay mà cụ thể là cung cấp tài chính vi mô cho lái xe và dịch vụ tiết kiệm hồi giáo.

Ngành ngân hàng trước cuộc đổ bộ của những gã khổng lồ công nghệ, tiêu dùng - Ảnh 1.

Ông Il Dong Kwon - Phó Tổng giám đốc Oliver Wyman chia sẻ về xu hướng các Tập đoàn công nghệ tiêu dùng tham gia vào lĩnh vực dịch vụ ngân hàng

Grab không phải là tổ chức ngoài ngân hàng duy nhất ở Việt Nam có tham vọng bước chân vào lĩnh vực này. Cuối tháng 7 vừa qua, Vingroup cũng đã góp vốn thành lập VinID với 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ hoạt động ở lĩnh vực trung gian thanh toán. Dù vẫn chưa được NHNN cấp giấy phép nhưng Vingroup đang nhanh chóng mở rộng tập khách hàng, xây dựng thói quen sử dụng thẻ thành viên VinID khi thanh toán các dịch vụ của tập đoàn này bằng hình thức hoàn tiền, khuyến mãi...

Hay trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, PV Oil cũng xây dựng một ứng dụng cho phép chuyển từ việc thanh toán tiền xăng từng lần với từng tài xế sang thanh toán một lần vào cuối tháng với đơn vị vận tải, tức cho phép mua chịu, tài trợ thương mại lên tới tối đa 30 ngày.

Tương lai tới còn có thể là các “TelFin”. Trong buổi làm việc với Thủ tướng đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông đã kiến nghị Thủ tướng cho thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ giá trị nhỏ và cho phép Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch, bù trừ điện tử,...

Nếu được phép, các doanh nghiệp viễn thông bước chân sang lĩnh vực tài chính cũng sẽ nhanh chóng tiếp cận được mảng dịch vụ này nhờ lợi thế tập khách hàng khổng lồ.

Sự tham gia của những người chơi mới có thể gây ra sự xáo trộn với ngành ngân hàng, dù không phải chuyện xảy ra một sớm một chiều. Như cách so sánh của ông Il Dong Kwon - Phó Tổng giám đốc Oliver Wyman, điều này giống như việc đun nước, không rõ khi nào nước sẽ sôi nhưng chắc chắn việc đấy sẽ xảy ra.

Chìa khóa đến từ nâng cao trải nghiệm khách hàng

Trước cuộc xâm lấn của tập đoàn công nghệ, tiêu dùng vào dịch vụ ngân hàng, một câu hỏi được đặt ngược lại cho ngân hàng: Làm thế nào để ngân hàng đưa các dịch vụ tài chính đến gần hơn với khách hàng, để giải quyết các vấn đề khó khăn/ cải thiện trải nghiệm khách hàng?

Nếu như trước đây, để thực hiện giao dịch, khách hàng phải đến trực tiếp tại các chi nhánh ngân hàng trong giờ hành chính, thì với sự đầu tư vào máy CDM (Cash Deposit Machine) của nhiều ngân hàng như VPBank, ACB, Agribank..., khách hàng đã có thể gửi tiền vào ngân hàng với khung giờ rộng hơn.

Nhiều tính năng hơn, ngân hàng số LiveBank của TPBank có thể thực hiện giao dịch trực tuyến gần như toàn bộ các giao dịch của ngân hàng cùng sự giúp đỡ của tư vấn viên qua video call 24/7. Các hình thức xác nhận bằng vân tay, sinh trắc học cũng bắt đầu được áp dụng để tiết kiệm thời gian mỗi giao dịch.

Không chỉ tháo gỡ giới hạn thời gian, kênh trực tuyến của các ngân hàng đang liên tục được bổ sung thêm tiện ích. Từ hỗ trợ thanh toán điện, nước, chi trả thẻ tín dụng tự động hàng tháng, một số ngân hàng chủ động mở rộng hệ sinh thái, liên kết với đối tác giúp khách hàng có thể đặt vé tàu, vé máy bay... mà không phải tới tận website của nhà cung cấp. Thanh toán qua mã QR cũng đã phổ biến ở hầu hết ứng dụng trên điện thoại của ngân hàng.

Ở một bước xa hơn, hai tháng trước, VPBank đã ra mắt YOLO - một ngân hàng số độc lập đồng thời cũng là quân át chủ bài trong lĩnh vực số của nhà băng này.

So với các fintech, ngoài có thể thanh toán, chuyển tiền toàn cầu thông qua thẻ ảo YOLO Mastercard, YOLO hiện đã cho phép khách hàng gửi tiết kiệm online và tương lai còn có thể là cho vay nhờ lợi thế là một ngân hàng. Điều mà YOLO khác biệt với các ngân hàng khác là khả năng đáp ứng mọi nhu cầu thường nhật của cuộc sống từ các nhu cầu giải trí như nghe nhạc, đọc báo đến đặt món ăn, đặt phòng khách sạn...

Ngành ngân hàng trước cuộc đổ bộ của những gã khổng lồ công nghệ, tiêu dùng - Ảnh 2.

1 ứng dụng YOLO có thể thay thế được nhiều ứng dụng giải trí, đặt hàng khác

“Tính tương tác giữa ngân hàng và khách hàng thực tế rất thấp. Một cá nhân có thể chỉ giao dịch với ngân hàng bình quân vài lần mỗi ngày nhưng lại tiếp cận các ứng dụng khác với tần suất lớn hơn rất nhiều”, ông Shameek Bhargava, Giám đốc Khối VPDirect cũng từng là sáng lập và CEO của ngân hàng số đầu tiên ở Ấn Độ nêu ra lý do YOLO tham vọng tích hợp một hệ sinh thái khổng lồ.

Ông Shameek Bhargava cũng cho biết để có thể “All in one” – đưa tất cả vào trong một ngân hàng số - bản thân YOLO cũng phải “mở”với các đối tác. Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép ngân hàng hợp tác với bên thứ ba cung cấp sản phẩm dịch vụ ngoài kênh truyền thống. Xu hướng ngân hàng mở này cũng đang được một số ngân hàng khác chú trọng. Điển hình như hồi tháng 8 vừa qua, một cuộc thi về ý tưởng tích hợp các API của ngân hàng với bên thứ ba đã được ACB khởi động. Xu hướng mở rộng và tích hợp API có thể sẽ là tương lai và lời giải cho bài toán phát triển của ngành ngân hàng trong tiến trình chuyển đổi số.

Theo Thanh Thủy

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên