MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn trong quý 2?

Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn trong quý 2?

Dự kiến trong quý 2/2021, Tp.HCM cần khoảng 68.600 – 73.500 chỗ làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như: chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, kỹ sư phần mềm...

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM vừa thông tin về thị trường lao động quý 1/2021 – dự báo nhu cầu nhân lực quý 2 tại Tp.HCM.

Theo đó, qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM cho thấy, thị trường lao động quý 1/2021 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 13,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo ngành kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ chiếm 70,38%, khu vực công nghiệp chiếm 29,51%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,11%.

Một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao trong quý này gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản…

Cũng trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,72% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở một số nhóm nghề như: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; công nghệ thông tin; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; marketing; kế toán - kiểm toán...

Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 22,19%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 21,42%, sơ cấp chiếm 25,07%. Lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,28%.

Theo mức lương, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở mức từ 5 – 15 triệu đồng. Trong đó, mức lương từ trên 5 - 10 triệu đồng chiếm tỷ trọng cao nhất với 58,85% tổng nhu cầu, ở các vị trí việc làm như: nhân viên kế toán, nhân viên hành chính nhân sự, điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, tư vấn khách hàng…

Mức lương từ trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 23,8%, ở các vị trí như: chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên digital marketing, kinh doanh bất động sản, giao dịch viên, biên phiên dịch…

Mức lương từ trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 7,95%, tập trung tuyển dụng ở các vị trí việc làm như: lập trình viên, marketing online, quản lý bán hàng cao cấp, thư ký giám đốc, chuyên viên thẩm định khách hàng doanh nghiệp…

Mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 8,43%, chủ yếu ở các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề chuyên môn cao như: giám đốc kinh doanh, chuyên viên đầu tư tài chính, trưởng phòng nhân sự, chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên viên triển khai phần mềm, giám sát dự án xây dựng, kế toán trưởng,…

Về kinh nghiệm làm việc, nhu cầu tuyển dụng đối với lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm tỷ lệ khá cao với 69,69% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, có 1 năm kinh nghiệm làm việc chiếm tỷ trọng cao nhất với 34,47% tổng nhu cầu.

Từ 2 - 5 năm kinh nghiệm chiếm 23,88% tổng nhu cầu và 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 8,34% tổng nhu cầu. Riêng nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 33,31%.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM, trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiến hành thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng, phát triển doanh nghiệp. Do đó, thị trường lao động quý 1/2021 có phần sôi động và có triển vọng hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Dự kiến trong quý 2/2021, Tp.HCM cần khoảng 68.600 – 73.500 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện lạnh – điện công nghiệp - điện tử; cơ khí – tự động hóa; y dược; kế toán – kiểm toán; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống….

Xu hướng tuyển dụng gia tăng ở lao động có trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,7%, trong đó, trình độ sơ cấp chiếm 24,51%, trung cấp chiếm 22,08%, cao đẳng chiếm 18,45%, đại học trở lên chiếm 20,66%.

Bên cạnh đó, thị trường lao động chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế số tại thành phố. Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử...


Theo Phúc Minh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên