MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thép “ngược dòng” thắng lớn

Ngành thép “ngược dòng” thắng lớn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế thì ngành thép lại đang “ngược dòng”, nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận tốt. Dự báo năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm thuận lợi với các doanh nghiệp thép Việt Nam.

“Ăn theo” ngành xây lắp

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2020 vừa qua, dù hầu hết các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì ngành thép vẫn “ăn nên làm ra”. Tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 tăng 1,4% so với năm 2019. Có được điều này, theo VSA, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Chính phủ gia tăng đầu tư công.

Theo tìm hiểu của PLVN, kế hoạch chi ngân sách nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, tăng 10% so với ngân sách năm 2019 và tăng 6% so với giải ngân thực tế năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giải ngân thực tế đạt 336.000 tỷ đồng, tương ứng 71% kế hoạch năm.

Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công, điển hình là các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án sửa chữa tuyến đường sắt Bắc – Nam từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh; dự án sửa chữa sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hàng loạt các dự án giao thông quan trọng khác trong cả nước được thực hiện. Ngân sách cho các dự án này lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Rõ ràng ngành thép được hưởng lớn từ việc Chính phủ gia tăng đầu tư công, còn các bộ, ngành và địa phương ra sức thi công các dự án để đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Thông tin với PLVN, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, một nguyên nhân khác khiến ngành thép Việt Nam đang tăng trưởng tốt là do dịch Covid-19 khiến việc nhập khẩu thép từ nước ngoài vào gặp khó khăn. Chính điều này khiến thị trường trong nước ít bị cạnh tranh, sản phảm thép các DN trong nước được tiêu thụ tốt.

Cũng theo đại diện Hòa Phát,  2020 là năm mà Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế rất cao với hơn 13.500 tỷ đồng. Theo đó, riêng quý IV/2020, Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát”, đại diện Hòa Phát cho biết.

Lũy kế cả năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng của Hòa Phát. Lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô trong năm 2020, gấp đôi năm 2019, đồng thời cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 820.000 tấn ống thép các loại tăng 10% so với năm 2019.

Năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát được sử dụng trong nhiều công trình hạ tầng lớn như tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long), cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua Quảng Trị - Huế), cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Cầu Cửa Hội (Nghệ An), cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Dự án cải tạo sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất…

Triển vọng lạc quan năm 2021

Dự báo, sản lượng thép của Hòa Phát trong năm 2021 tiếp tục tăng trưởng so với 2020 nhờ vận hành lò cao số 4 tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất. Ngay trong tháng 1 vừa qua, Hòa Phát sản xuất 670.000 tấn thép thô, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.

Một DN nhà nước chuyên sản xuất thép là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng có một năm kinh doanh khả quan. Theo đó, năm 2020, VNSTEEL sản xuất đạt hơn 2,3 tấn phôi thép; sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt trên 3,2 triệu tấn. Doanh thu thuần của toàn hệ thống VNSTEEL đạt 78.169 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty CP Thép Nam Kim cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua khi đạt hơn 11.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận hơn 295 tỷ đồng – cao gấp 6,3 lần so với năm 2019.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm “gặt hái” của ngành thép Việt Nam khi các dự án xây lắp, giao thông lớn tiếp tục được triển khai, đặc biệt là 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đại dự án sân bay Long Thành...

Cùng với đó, kế hoạch chi ngân sách nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2021 của Chính phủ đã được phê duyệt là 477.300 tỷ đồng, tăng chút ít với năm 2020. Ngoài ra, ngân sách cộng dồn từ các năm trước và hai tháng cuối cùng của năm 2020 đạt xấp xỉ 841.300 tỷ đồng vốn đầu tư công sẵn sàng giải ngân.

Theo VSA, nhu cầu thép xây dựng trong năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5%. Đặc biệt, thị trường xây dựng bất động sản trong năm qua khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được dự báo sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2021 cũng là tín hiệu lạc quan của ngành thép. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh vào Việt Nam, do đó các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục được phát triển, xây mới, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo…

Theo Minh Hữu

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên