MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành xây dựng “chờ” gói kích cầu lớn

06-04-2020 - 16:42 PM | Bất động sản

Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư công thuần túy cả 8 dự án và cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất 3 phương án điều chỉnh các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mới đây, Chính phủ đã có văn bản thông báo về việc sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP trên tuyến cao tốc này sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước. 

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, đây là “gói kích cầu” lớn cho ngành xây dựng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Cụ thể, 3 phương án điều chỉnh các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Bộ GTVT đề xuất Thủ Tướng.

Thứ nhất là chuyển đổi sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước 3 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63 km, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km) với kinh phí đầu tư khoảng 29.497 tỷ đồng; 5 dự án còn lại vẫn thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Phương án thứ 2 là chuyển đổi cả 8 dự án PPP sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước, trong đó 5 dự án sẽ cân đối vốn đầu tư trong kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ 3 là vẫn giữ nguyên phương thức đầu tư PPP cho cả 8 dự án.

Theo đó, Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư công thuần túy cả 8 dự án và cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án PPP lớn bị “tắc” vốn, thủ tục vay vốn đến khi dòng tiền thực sự “chảy” vào công trình phải mất hàng năm trời. Đó là chưa kể thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư lớn trong nước “dính” vào các dự án BOT có nguy cơ vỡ phương án tài chính nên năng lực thực sự của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng, nợ xấu tăng. Để các nhà đầu tư này tham gia cao tốc Bắc - Nam và huy động thêm khoản vay tín dụng của ngân hàng gần như là điều không thể.

Do đó, nếu các dự án PPP này chuyển sang đầu tư công thuần túy thì đây chắc chắn là gói kích cầu lớn đối với ngành xây dựng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay; đồng thời sẽ có tác dụng đẩy nhanh tiến độ toàn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Còn theo Bộ GTVT, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo loại hợp đồng BOT vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc huy động tín dụng sẽ khó khăn. Trong khi đó, theo quy định, trong vòng 6 tháng, nếu nhà đầu tư trúng thầu không huy động được vốn tín dụng sẽ phải chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp nếu cuối năm 2020, các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông chọn được nhà đầu tư thì cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai thi công các công trình này trong năm 2021. Vì thế, việc chuyển sang đầu tư công thuần túy sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến cao tốc này, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng trong bối cảnh hiện nay.

Ngành xây dựng “chờ” gói kích cầu lớn - Ảnh 1.

Hạ Vy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên