Ngập trong nợ nhưng cổ phiếu của công ty này đã tăng 1.270% trong tháng 6
Nổi tiếng là yêu thích rủi ro, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Hàn Quốc đang rót 1 lượng tiền đi vay kỷ lục vào thị trường.
- 12-06-2020Nhà đầu tư tháo chạy, chiến lược 'cổ phiếu chỉ tăng giá' sụp đổ trước cú sập 2 nghìn tỷ USD
- 11-06-2020Cổ phiếu tăng không ngừng nghỉ, Tesla sắp trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị lớn nhất thế giới
- 11-06-2020Nghịch lý mới trên thị trường chứng khoán Mỹ: Để cổ phiếu tăng phi mã, hãy nộp đơn... xin phá sản?
Cổ phiếu ưu đãi của 1 công ty đóng tàu đã trở thành hiện tượng trên TTCK Hàn Quốc sau khi tăng vọt kể từ đầu tháng tới nay dù công ty ngập trong nợ nần. Nguyên nhân là do nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản xuống mức rất thấp.
Tổng cộng kể từ đầu tháng đến nay, cổ phiếu ưu đãi của Samsung Heavy Indutries đã tăng tới 1.270%. Cổ phiếu này đã tăng hết biên độ trong gần như tất cả các phiên kể từ ngày 2/6, sau khi công ty thông báo đã trúng thầu vận chuyển khí hóa lỏng từ Qatar về Hàn Quốc. Trong cùng kỳ cổ phiếu phổ thông của công ty chỉ tăng có 37%. Tính đến cuối tháng 3, Samsung Heavy Industries nợ ròng 3,6 nghìn tỷ won (tương đương 2,98 tỷ USD), so với mức 980 tỷ won của 1 năm trước.
Thông thường, các cổ phiếu ưu đãi đem đến cho nhà đầu tư mức cổ tức cao hơn so với các cổ phiếu phổ thông nhưng nhược điểm của loại cổ phiếu này là không có quyền biểu quyết. Mà trong trường hợp những công ty đang thua lỗ thì cổ tức cao hơn cũng không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, các daytrader trên TTCK Hàn Quốc đang đổ xô vào loại cổ phiếu này vì họ có thể dễ dàng "lái giá" do thanh khoản thấp.
Nổi tiếng là yêu thích rủi ro, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Hàn Quốc đang rót 1 lượng tiền đi vay kỷ lục vào thị trường. Theo dữ liệu từ Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc, lượng tiền đi vay để đầu tư chứng khoán tại các công ty môi giới trong nước đã tăng lên mức 46 nghìn tỷ won (tương đương 38 tỷ USD) trong tháng 6, so với mức khoảng 31 nghìn tỷ won của tháng 3.
Với chỉ số Kospi chuẩn bị lấy lại được toàn bộ số điểm đã mất kể từ đầu năm đến nay do hi vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi từ đại dịch, dòng tiền đang được đổ rất mạnh vào thị trường. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tận dụng mức lãi suất thấp kỷ lục và những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ để tìm kiếm cơ hội kiếm lời chóng vánh từ những cổ phiếu y tế và công nghệ.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ròng 23,8 nghìn tỷ won trong 6 tháng qua, và các nhà đầu tư định chế cũng đã bán ra 6,7 nghìn tỷ won. Tuy nhiên, ngược lại các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại mua ròng 27,8 nghìn tỷ won, do đó trở thành nguồn hỗ trợ lớn cho thị trường.
Trước hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ lấy tiền vay mượn đổ xô đi đầu cơ cổ phiếu ưu đãi đã tăng giá gấp hơn 10 lần so với mức tăng của các cổ phiếu phổ thông, các nhà quản lý Hàn Quốc mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng với những cổ phiếu này vì xung quanh chúng có quá nhiều tin đồn và cơn sốt giá được tạo dựng trong thời gian quá ngắn.
Ngoài Samsung Heavy Industries, kỳ vọng về thuốc điều trị Covid-19 cũng khiến cổ phiếu ưu đãi của Ilyang Pharmaceutical tăng khoảng 306% trong tháng 6, mức tăng cao gấp 10 lần so với đà tăng của cổ phiếu phổ thông. Cổ phiếu ưu đãi của Hanwha Corp tăng 207% trong khi cổ phiếu phổ thông của hãng chỉ tăng 18% trong cùng kỳ.